Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

ĐÈO CẢ

 
ĐÈO CẢ CHIỀU TÀ

Chiều tà, ngược đèo Cả
Dốc đứng quanh co quá
Xe lên cồn cào nghiêng ngả vòng cung!...


Lên đỉnh đèo, trời cao xuống trầm
Phía hoàng hôn mây hồng còn bảng lảng
Biển le lói sóng, nhạt nhòa sắc nắng
Bát ngát thinh không, vắng lặng đến mê u...

Chiều muộn rồi, còn vò võ Vọng Phu
Chồng mãi không về lặng lẽ buồn hóa đá
Bao nhiêu năm rồi dãi sương, dầm gió
Mòn nhẵn đợi chờ, trắng xóa nhớ mong

Có phải chinh phu theo đoàn quân Tây Sơn
Thần tốc qua đây hạ nhanh thành Gia Định
Hay hành tiến đến Rạch Gầm-Xoài Mút
Đánh đòn thủy chiến lừng vang
Rồi nằm lại trong nghi ngút khói nhang
Đền xong nợ nước, muôn năm không về nữa!?

Và kìa!...
Có một chiều trong ngàn năm trước
Đã từng một đấng chân nhân
Đến đây dừng bước phân vân
Trước cuộc giao hòa hữu tình sơn-thủy
Ngồi xuống đó, gục đầu, suy nghĩ
Tìm linh duyên trong sâu thẳm cội nguồn
Tận buổi đầu tiên
Của một thời khai thiên lập địa
Thiền quên thời gian, ngộ thành tọa đá
Đắm vào trầm mặc, rêu phong
Giữa ngàn xanh thanh thỏa, im lìm
Lan tỏa hồn minh triết?...

Chiều tà xuôi đèo Cả
Dốc chúi ngoằn ngoèo lạ(?!)
Xe xuống vòng vo, hụt hẫng, nôn nao
Không ngước lên không thấy được trời đâu
Chỉ thấy rừng cây, thung sâu, triền đá
Và dưới chân đèo là vùng biển cả
Đá vây thành Vũng Rô...

***

Chiều tà qua đèo Cả
Lồng từng cơn gió lùa hả dạ
Ngó bên này ngỡ đang dọc Trường Sơn
Ngắm bên kia tưởng lướt giữa trùng dương
Nhắm mắt, bừng hiển linh một thuở
Quyết tử xung phong, những con tàu không số
Từng đoàn xe bất khuất vượt bão đạn mưa bom
Vạch lối, khơi luồng thành hai đường mòn
Đường xuyên biển và đường xuyên rừng núi
Hậu phương lớn nối tiền tuyến lớn
Hợp nên kỳ tích anh hùng
Tô thắm thêm huyền sử Việt Nam:
Ngày xửa ngày xưa còn hỗn mang trời đất
Nước cuồn cuộn dâng, lửa nộ cuồng ngùn ngụt
Vươn vai đứng dậy, Ông Đùng...
Đạp đất đội trời, xe duyên mai mối Tiên-Rồng
Khơi dòng Lạc-Hồng hiền hòa, bất khuất
Mở cõi Văn Lang, bền gan đắp đê trị thủy
Gan góc sống còn trước giặc dã, thiên tai
Trường tồn đến tận ngày nay!

***

Chiều tà qua đèo Cả
Thương quá quê cha đất mẹ!
Biết mấy tự hào tổ quốc Việt Nam!...

Trần Hạnh Thu



Đèo Cả

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đèo Cả là một trong những đèo lớn và hiểm trở tại miền Trung Việt Nam . Đèo cao 333 m, dài 8 km, cắt ngang qua dãy núi Đại Lãnh ở chỗ giáp ranh của hai tỉnh Phú Yên (huyện Đông Hòa) và Khánh Hòa (huyện Vạn Ninh), trên Quốc lộ 1A .

Lịch sử

Đây là ranh giới giữa Đại ViệtChiêm Thành từ năm 1471 đến 1653. Trong cuộc nam tiến của Đại Việt, địa thế hiểm trở của khu vực đã khiến vua Lê Thánh Tông dừng chân tại đây năm 1471. Sau đó, vua Lê Thánh Tông đã tạo một tiểu vương quốc tại Phú Yên làm vùng đệm tên là Hoa Anh. Vì là vị trí ranh giới, nhiều cuộc xung đột giữa Đại Việt và Chiêm Thành đã xảy ra tại đây
Vào những năm 1771-1802, nhiều cuộc giao chiến giữa chúa Nguyễn Ánh và anh em nhà Tây Sơn cũng đã xảy ra tại đây. Trong tháng 1 năm 1947, đèo Cả trở thành chiến trường giữa quân PhápViệt Minh.
Tên "Đèo Cả" có khi Pháp đang xây Quốc lộ 1A. Trước đó đường Thiên Lý nằm phía tây của đường Đèo Cả. Hiện đang có kế hoạch xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả để việc đi lại trên quốc lộ 1A không còn phải vượt qua đường đèo hiểm trở này

Sinh thái

Thời tiết ở đây nhiều mưa và nhiều mây, tạo ra nhiều thực vật đặt biệt. Trước kia, khu này là một nơi sản xuất trầm hươngkỳ nam nổi tiếng. Nay vẫn còn nhiều cây quý mọc tại đây như cẩm, thị, sao, chò, dầu, kiền kiền, và đát. Cây đát được dùng trong món chè trái cây nổi tiếng ở Nha Trang.

Hình ảnh

Trang này được sửa đổi lần cuối lúc 06:27, ngày 30 tháng 10 năm 2013.
Chiến sĩ - thi sĩ Hữu Loan và bài thơ Đèo Cả
BT- Giở những trang thơ thời kỳ đầu kháng chiến, có một “tam tuyệt thi” cứ lừng lững trong tâm trí bạn đọc: Nhớ máu của Trần Mai Ninh, Hải Phòng 19/11/1946 của Trần Huyền Trân và Đèo Cả của Hữu Loan.
Hữu Loan (1916 – 2010) được sinh ra ở thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa trong một gia đình nông dân rất nghèo và đông con. Năm 1937, Hữu Loan lên thị xã Thanh Hóa học Collège (trung học) và được giới thiệu làm gia sư cho nhà ông Lê Đỗ Kỳ, Tổng Thanh tra Nông lâm Đông Dương, sau này là Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Năm 1941, sau khi thi đỗ tú tài Tây ở Hà Nội, Hữu Loan về lại Thanh Hóa vừa dạy học vừa tham gia Việt minh. Cách mạng mùa thu bùng nổ, Hữu Loan làm Phó Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn và ít lâu sau được điều lên làm Ủy viên Văn hóa trong Ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hóa, phụ trách bốn Ty Giáo dục - Thông tin - Thương chính - Công chính. Năm 1946, theo yêu cầu ở trên, ông gia nhập quân đội, được cử làm chủ bút Báo Chiến sĩ quân khu IV, Trưởng ban tuyên huấn Sư đoàn 304 ở Huế.
  
Chân dung nhà thơ Hữu Loan.

Đèo Cả (địa giới tự nhiên của tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên) bấy giờ là phòng tuyến của quân ta. Nhà thơ Hữu Loan khao khát vào Đèo Cả thâm nhập thực tế.
Đèo Cả – bài thơ đầu tay của Hữu Loan – ra đời từ chuyến đi đó, đăng trên Báo Chiến sĩ, ký bút danh là “Hữu”. Hữu Loan gửi bài thơ về tặng cô học trò nhỏ Lê Đỗ Thị Ninh, làm trái tim cô học trò nhỏ từ lâu đã run rẩy vì “thầy Loan” tài hoa nay càng thêm thổn thức. Để rồi mùa xuân năm 1948, “Nàng cười xinh xinh/Bên anh chồng độc đáo/Tôi ở đơn vị về/Cưới nhau xong là đi”. (Màu tím hoa sim)…
Đèo Cả được xây dựng trên cái tứ đượm màu bi tráng của thời đại. Chủ thể trữ tình nhìn thẳng vào hiện thực gian khổ, hào hùng bằng cái nhìn tỉnh táo nhưng không thiếu mơ mộng. Núi rừng hiểm trở, hoang dại, thú dữ rình rập, lam sơn chướng khí, sốt rét và cái đói dày vò, hình hài, tóc râu sạm nắng gió dữ dằn nhưng vẫn đầy hùng tâm tráng chí: 
Dưới cây
            bên suối độc
Cheo leo chòi canh
            như biên cương
Tóc râu
            trùm vai rộng
Không nhận ra
            người làng
Ngày thâu
            vượn hú
Đêm canh
            gặp hùm lang thang…
Nhiều người nhận xét thơ Hữu Loan “bi hùng như hơi thơ Đỗ Phủ”(1). Không khí Đường thi ẩn hiện trong những nét bút cổ kính (bóng núi cao ngất, mây trời ngưng đọng, bóng ngựa gầy trên đường mòn heo hút, chòi canh biên tái mù sương…). Song Đèo Cả vẫn đậm tinh thần hiện đại và phong vị sử thi. Chiến sĩ Đèo Cả tuy sống cực kỳ thiếu thốn, gian khổ vẫn bền gan, nung nấu chí căm thù, khắc sâu truyền thống cha ông, trọn vẹn nghĩa tình đồng đội, đồng chí – những tình cảm mới của một thời dân nước:
Gian nguy
            lòng không nhạt
Căm thù
            trăm năm xa
Máu thiêng
            sôi dào dạt
Từ nguồn thiêng
            ông cha
(…) Nhớ lần thăm Đèo Cả
            hậu phương từ rất xa
Ăn với nhau bữa heo rừng
            công thui chấm muối
Trên sạp cây rừng
            ngủ chung
            nửa tối
Biệt nhau
            đèo heo
                        canh gà
Màn đêm, bóng tối không chỉ có ở đoạn này, nó trở đi trở lại dọc bài thơ 5 lần. Những cuộc đụng độ khốc liệt, “Giặc từ Vũng Rô bắn tới/Giặc từ trong tràn ra”, một đường hầm dài 14km là nơi trú ngụ chính của Vệ quốc quân và dân quân, Hữu Loan thử chui qua một tuy-nen khoảng 5km, khi ra đến ngoài trời, bị ánh nắng làm cho quáng mắt đến bật ngửa ra. Ấn tượng dữ dội đó đã giúp ông khắc chạm xuất thần không - thời gian bóng tối như một ám ảnh nghệ thuật làm sáng bừng lên khí phách trượng phu, bản lĩnh can trường, tinh thần lạc quan của người đi kháng chiến:
Nhưng Đèo Cả
            vẫn đứng vững
Đèo Cả Nam
            máu giặc
                    mấy
                        lần
                            nắng
                                   khô
Một câu thơ với lượng thơ không nhiều (9 tiếng) nhưng có đến 6 bước thơ. Đây có lẽ là câu thơ “phiêu” nhất, hào sảng nhất của Đèo Cả, đúng như Trịnh Thanh Sơn(2) nhận xét: “Sảng khoái nhất, ran rỉ, sướng nhất, có lẽ là đoạn này. Tất cả những gập ghềnh, gian nan phút trước, để dồn cho khí thế người chiến thắng ở đoạn này. Thơ dồn nén sự hoan hỉ tự nhiên của những con người sống chết với non sông đất nước”.
Hữu Loan sở trường bút pháp trữ tình kể chuyện như Những làng đi qua, Hoa lúa, “chín” nhất là Màu tím hoa sim. Từ thời Đèo Cả, thơ Hữu Loan đã bộc lộ thiên hướng đi thẳng vào hồn người bằng lối kể bộc trực, hồn nhiên như cách sống, cách nghĩ, cách cảm của người lính:
Sau mỗi lần thắng
Những người trấn Đèo Cả
Về bên suối đánh cờ
Người hái cam rừng
       ăn nheo mắt
Người vá áo
       thiếu kim
                        mài sắt
Người đập mảnh chai
        vểnh cằm
                        cạo râu
Tài của Hữu Loan là ở chỗ ông biết nắm bắt những khoảnh khắc rất thực, rất đời nhưng cũng rất đắt, rất thơ làm cho người đọc không thể không ngạc nhiên, sững sờ. Cái cảnh tượng và không khí người lính sau những giờ phút chiến đấu căng thẳng, về bên suối đánh cờ, ăn cam rừng chua nheo mắt, mài kim vá áo, đập mảnh chai cạo râu đi vào thơ thật mới lạ và cảm động.
Hữu Loan là tác giả sở trường thơ leo thang. Có thể ở bài này bài khác, thể thơ này không hợp cho lắm, nhưng với Đèo Cả thì thơ bậc thang tỏ ra đắc địa, nhất là phần cuối, làm cho bài thơ khép lại nhưng mạch thơ vẫn trôi đi man mác, bâng khuâng. Đèo Cả và người trấn Đèo Cả đi cùng năm tháng, bất tử cùng sông núi bằng một lối “kết mở” vang vọng dư âm, ngân nga cảm xúc:
 Suối mang bóng người
                                 soi
                                    những
                                             về
                                                đâu?
... Tuy Đèo Cả không “nổi đình nổi đám” như Màu tím hoa sim nhưng vẫn là một trong những bài thơ hàng đầu của thơ ca cách mạng. Hữu Loan cùng Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Trần Mai Ninh, Quang Dũng… đưa thơ kháng chiến cuốn theo cảm hứng bi hùng. Đèo Cả thể hiện một cảm quan chân thực đến sống sít, lãng mạn đến bay bổng, sở hữu một tình điệu ngang tàng đến phóng túng. Dù cùng trang lứa với một loạt thơ ca kháng chiến, Đèo Cả có một hình hài, một gương mặt “đẹp lạ” – một cái đẹp máu lửa và ngông đến tột cùng…
CHẾ DIỄM TRÂM
 (1): Vũ Bằng – Mười chín chân dung nhà văn cùng thời – Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
(2): Trịnh Thanh Sơn – Nhà thơ Hữu Loan, một tính cách xứ Thanh – www.thanhhoafc. Net


 

Sự kiện vũng Rô

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Sự kiện Vịnh Vũng Rô nói về việc phát hiện tàu hàng 100 tấn của Hải quân Nhân dân Việt Nam (HQNDVN) đang dỡ hàng (quân nhu và đạn dược) tại vịnh Vũng Rô, Phú Yên, lúc đó đang thuộc Việt Nam Cộng hòa (VNCH) ngày 16 tháng 2 năm 1965. Sự kiện này đã thúc đẩy Hải quân Mỹ dính líu sâu hơn vào cuộc chiến tại Việt Nam.

Bối cảnh

Vũng Rô là một vùng nước sâu nằm ở chân Đèo Cả, là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Phú Yên và Nha Trang. Đây là một bến có điều kiện rất thuận lợi trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Nước rất sâu, tàu 100 tấn có thể vào dễ dàng. Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đã chỉ thị cho địa phương huy động dân công làm một cầu tàu dài 20 m, có thể tháo lắp nhanh. Về mức độ an toàn thì ngay trên đỉnh Đèo Cả có một đồn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, tức là có thể triệt để lợi dụng yếu tố bất ngờ. Trong thực tế, Lữ đoàn vận tải 125 HQNDVN đã lợi dụng được các yếu tố thuận lợi đó, chỉ trong vòng hơn 2 tháng đã chở trót lọt vào bến 3 chuyến tàu:
  • Tàu 41 đi chuyến đầu ngày 16 tháng 11 năm 1964, cập bến ngày 5 tháng 12, chở theo 43,920 tấn vũ khí.
  • Tàu 41 đi tiếp chuyến thứ hai ngày 21 tháng 12, cập bến ngày 31 tháng 12, chở theo 46,729 tấn vũ khí.
  • Tàu 41 đi chuyến thứ ba ngày 28 tháng 1 năm 1965, cập bến ngày 9 tháng 2 năm 1965, chở được 45,951 tấn vũ khí.
Trước tình hình thuận lợi, trong khi Nam Trung Bộ đang mở liên tiếp nhiều trận đánh lớn, Lữ đoàn 125 quyết định lợi dụng ngày Tết Âm lịch cho chở tiếp chuyến thứ tư với trọng tải lớn vào Vũng Rô. Đúng ngày mùng 1 Tết Ất Tỵ, tức ngày 2 tháng 2 năm 1965, tàu sắt số 143 khởi hành, với 18 thủy thủ, thuyền trưởng là Lê Văn Thêm, chính ủy là Phan Văn Bảng, chở 63,114 tấn vũ khí. Đến 11 giờ đêm 15 tháng 2 tàu vào đến bến Vũng Rô an toàn. Vì khối lượng hàng quá lớn, bốc dỡ gần hết hàng thì trời đã sáng, neo tàu lại hỏng nên phải cho tàu ở lại trong ngày và ngụy trang kỹ bằng cây lá.
Cùng khoảng thời gian này, Quân Giải phóng miền Nam tại Khu V vừa tiến đánh quân VNCH trong trận Đèo Nhông từ ngày 7 tháng 2 đến 8 tháng 2 năm 1965, gây thiệt hại lớn cho đối phương. Do hậu quả của trận đánh, suốt trong tuần lễ tiếp theo, máy bay tải thương của Mỹ liên tục bay qua khu vực Vũng Rô để chở thương binh về Nha Trang, còn toàn bộ hệ thống an ninh và quân đội của Vùng II chiến thuật được đặt trong tình trạng báo động.

Diễn biến

Ngày 16 tháng 2 năm 1965, Trung úy James S. Bowers, sĩ quan Quân đội Mỹ, trong lúc lái một chiếc máy bay tải thương UH-1B bay dọc đường số 1 ven biển từ Quy Nhơn về Nha Trang, đã phát hiện ra "một mỏm đá lạ nhô ra trên vách núi phía tây Vũng Rô" mà những ngày trước chưa hề thấy. Thực chất đây là tàu không số sau khi dỡ hết hàng, đã neo lại sát vách đá và ngụy trang bằng các cành cây lớn. Viên phi công lập tức báo cáo những gì nhìn thấy cho Thiếu tá Hải quân Mỹ Harvey P. Rodgers, Cố vấn cấp cao Bộ tư lệnh Vùng II chiến thuật đóng tại Nha Trang. Ông này đã báo lại cho Thiếu tá Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư lệnh khu vực duyên hải Nam Trung Bộ của VNCH. Ông Thoại đã xác nhận không có đơn vị nào đang có mặt gần đó và đã gửi đi vài chiếc A-1 Skyraider của Không lực Việt Nam Cộng hòa đến kiểm tra. Các máy bay này bắn tên lửa (tài liệu của Lữ đoàn 125 nói là thả bom xăng) vào chỗ nghi ngờ. Mọi thứ ngụy trang cháy trụi và toàn thân con tàu lộ ra. Binh lính VNCH trên đồn Đèo Cả tràn xuống. Các thủy thủ Tàu 143 cùng với các đội du kích Hòa Hiệp buộc phải chiến đấu, đồng thời cho điểm hỏa để phá tàu. Nhưng vì Tàu 143 rất lớn, thuốc nổ chỉ có 500 kg nên khi cho nổ, tàu không tan xác mà chỉ xẻ làm đôi. Thủy thủ đoàn cùng quân du kích chiến đấu phá vòng vây rồi rút về Trường Sơn, theo đường 559 trở lại miền Bắc.

Kết quả

Sau Sự kiện Vũng Rô, phía Mỹ và VNCH cho trục vớt xác tàu lên, rồi đưa về Sài Gòn để triển lãm và công bố trước báo chí. Thứ mà binh lính, biệt kích hải quân VNCH và cả cố vấn Hải quân Mỹ, Đại úy Franklin W. Anderson, phát hiện trong con tàu chìm và các vị trí cất giấu ven bờ biển đã kết thúc những tranh luận kéo dài của những sĩ quan tình báo cũng như binh lính Hoa Kỳ. Đó là 100 tấn khí tài chiến tranh xuất xứ Liên XôTrung Quốc, bao gồm 4.000 khẩu súng trườngsúng máy, 1 triệu viên đạn cỡ nhỏ, 1.500 quả lựu đạn, 2.000 viên đạn súng cối và 500 pound thuốc nổ. Đại tá Mỹ R. Schrosbay nhận định:
Vụ Vũng Rô điều đã ngờ trong một thời gian dài nhưng chưa có bằng chứng. Số lượng chiến cụ lớn bị phát hiện chỉ ra rằng nhiều lô hàng lớn hơn đã được chở đến bằng tàu trước đó. Sự xuất hiện đồng thời loại vũ khí mới cỡ 7,62 mm của địch ở những khu vực ven biển khác nói lên một điều chắc chắn là địch còn sử dụng các vị trí khác nữa để nhận hàng chuyển bằng đường biển.
Đối với HQNDVN, đây là thất bại đầu tiên và có ý nghĩa như sự chấm dứt đối với cả một giai đoạn của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển: giai đoạn đối phương mất cảnh giác.
Trang này được sửa đổi lần cuối lúc 18:31, ngày 4 tháng 10 năm 2014.
                      

Vịnh Vũng Rô, điểm đến nên thơ dưới chân đèo Cả

Thứ sáu, 18/4/2014 03:18 GMT+7
3 0 chia sẻ
Từng là một địa chỉ đỏ trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng ngày nay vịnh Vũng Rô trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước nhờ cảnh đẹp nên thơ.
Nằm dưới chân Đèo Cả, giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa, vịnh Vũng Rô là cảng biển nổi tiếng không chỉ của Phú Yên mà còn của cả khu vực miền Trung. Với ba mặt Đông, Tây, Bắc được bao bọc bởi các dãy núi, phía Nam lại được đảo Hòn Nưa chắn gió nên vịnh Vũng Rô quanh năm lặng sóng, thích hợp cho tàu thuyền neo đậu tránh gió bão và đánh bắt cá.
vung-ro-2-4222-1397712217.jpg
Vịnh Vũng Rô không chỉ hấp dẫn du khách với vẻ đẹp nên thơ mà còn đó là những câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc. Ảnh: Huấn Phan.
Trong lịch sử, vịnh Vũng Rô từng là một điểm dừng quan trọng của đường Hồ Chí Minh trên biển, tiếp nhận hàng trăm tấn vũ khí do những con tàu không số vận chuyển từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1964 - 1965. Ngày nay, ở đây vẫn còn xác một con tàu không số nằm sâu dưới lòng biển cùng một tấm bia tưởng niệm các chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp thống nhất nước nhà.
Đến Vũng Rô hôm nay, ngoài những giá trị lịch sử, khách tham quan còn được thưởng ngoạn một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú với núi, đảo, biển xanh như màu ngọc. Đứng từ trên đỉnh đèo Cả rồi phóng tầm mắt về phía Đông Bắc, du khách sẽ được nhìn ngắm một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp nên thơ với màu xanh của trời, mây, nước nhưng cũng không kém phần uy nghi, hùng vĩ với các dãy núi đá, các hòn đảo như những cánh tay đang ôm ấp và che chở cho vịnh Vũng Rô. Với những vẻ đẹp nên thơ đó, không ngạc nhiên khi Tổ chức du lịch Thế giới đã đánh giá đây là một trong những thắng cảnh nghỉ ngơi đẹp nhất khu vực châu Á.
vung-ro-3-7440-1397712217.jpg
Nằm dưới lòng vịnh là xác của con tàu Không Số đã bị đánh chìm để tránh sự phát hiện của địch. Ảnh: Huấn Phan.
Cái làm nên sự hấp dẫn cho vịnh Vũng Rô chính là các bãi nhỏ như: bãi Lách, bãi Mù U, bãi Chùa, bãi Chân Trâu, bãi Lau, bãi Nhãn... với những bãi cát trắng mềm mịn chạy dài, làn nước trong xanh cho du khách thỏa thích vùng vẫy trong những ngày nắng nóng. Bên cạnh đó, nơi đây cũng rất phong phú về các loại hải sản, tôm, cá, mực... nên du khách có thể buông cần trên biển, quăng lưới bắt cá hay vớt sứa để có thể chế biến cho mình nhiều món ăn ngon. Ngoài ra, bạn cũng được thăm mô hình nuôi tôm hùm hay lặn biển ngắm vẻ đẹp tuyệt vời của những rặng san hô ở đây.
Đến vịnh Vũng Rô, bạn cũng không thể bỏ qua các điểm tham quan gần đó như ngọn Hải Đăng, bãi Môn và đặc biệt là Mũi Điện, đây là điểm cực đông trên đất liền Việt Nam, nơi đây du khách sẽ đón những ánh bình minh đầu tiên trên đất liền. Điểm thuận tiện cho bạn là có thể dễ dàng tìm kiếm cho mình một chỗ ngủ qua đêm miễn phí trong các nhà dân ở đây hoặc trong nhà nghỉ của bộ đội biên phòng.
vung-ro-4-6963-1397712217.jpg
Nơi đây còn có bia tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh của đoàn tàu Không Số huyền thoại. Ảnh: Huấn Phan.
Với những du khách thích leo núi, thì núi Đá Bia là một nơi không thể tuyệt vời hơn. Có chiều cao hơn 700m, ngọn núi này được mệnh danh là 'phương Nam đệ nhất trụ', ngọn núi như một bức bình phong chắn gió cho vịnh Vũng Rô từ phí đông. Nếu leo núi vào lúc sáng sớm hay khi hoàng hôn du khách sẽ cảm giác như đang bay bổng giữa những đám mây trắng bồng bềnh quyện lấy đỉnh núi.
Từ một địa chỉ đỏ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngày nay vịnh Vũng Rô đang vươn mình thức giấc. Những dự án đầu tư phát triển du lịch như: các khu nghĩ dưỡng, vui chơi, giải trí đang dần dần giúp địa điểm này hấp dẫn trong mắt du khách trong và ngoài nước, trở thành một điểm đến lý thú của khu vực Nam Trung bộ trong tương lai gần.
HuPa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét