Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

PHÒNG THỦ TÍCH CỰC

-Nhiều nhà sử học Việt Nam hiện nay vẫn còn phân vân trong việc đánh giá công-tội của Hồ Quí Ly. Theo tôi, Hồ Quí Ly hoàn toàn có tội đối với đất nước Đại Việt, dân tộc Việt. Đó là, sau khi tiếm ngôi Nhà Trần, đã hành xử chính trị sai lầm, cải cách và định hướng xây dựng kinh tế sai lầm khiến dân chúng đã ca thán càng thêm ca thán, lòng người đã ly tán càng thêm ly tán, dẫn đến thế nước thời mạt Trần vốn đã yếu lại càng suy yếu thêm dưới thời Đại Ngu. Thế nước yếu cùng với bất tài quân sự đã hợp thành nguyên nhân làm cho cuộc kháng chiến của Hồ Quí Ly chống quân Minh thất bại. Không biết kế thừa cách đánh giặc tài tình của những thế hệ trước trong chỉ đạo chiến tranh, gây ra cảnh nước mất nhà tan chính là tội lỗi nặng nhất của Hồ Quí Ly.
-Một thể hiện nổi bật và có thể coi là một hình thức quan hệ có tính độc lập tương đối trong mối quan hệ xã hội nói chung giữa người và người được gọi là sự đấu tranh. Đấu tranh trong xã hội loài người là hiện tượng giải quyết mâu thuẫn, gồm hai hay nhiều lực lượng người  kháng cự nhau, xung đột nhau, nhằm khuất phục nhau vì mục đích tối hậu là danh lợi-quyền lợi. Sự xuất hiện đấu tranh lẫn nhau trong xã hội loài người, xét ở tầm mức sâu xa nhất, là hiện tượng có nguyên nhân hoàn toàn tự nhiên, nhưng nếu xét ở bình diện coi loài người là một tồn tại tương đối độc lập, tách rời khỏi tự nhiên, thì có nguyên nhân vừa tự nhiên vừa nhân tạo, hay có thể nói, có nguyên nhân tổng hợp từ hai nguyên nhân, nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, trong đó nguyên nhân khách quan có tính sâu xa, tất yếu, còn nguyên nhân chủ quan có tính (duyên cớ) trực tiếp, ngẫu nhiên.
-Quan sát ở bình diện bao quát hơn, đấu tranh trong xã hội loài người có cội gốc tự nhiên là đấu tranh sinh tồn trong thế giới sinh vật, đồng thời cũng là bộ phận hoàn chỉnh, hợp thành cuộc đấu tranh sinh tồn ấy. Thực chất của đấu tranh sinh tồn là nỗ lực tồn sinh trước sự vận động biến đổi của ngoại cảnh-nội tình, do đó mà biểu hiện đặc trưng trong vận động của nó là có tính bị kích hoạt, tính căng thẳng, tính quyết liệt. Đấu tranh trong xã hội giữa người với người, vì có thêm sự tham gia của tư duy trừu tượng dưới dạng ý chí, nên không những đương nhiên phải có đặc tính ấy, mà đặc tính ấy còn đột biến về mức độ sâu rộng cũng như mạnh mẽ và trở nên đặc thù, coi như chỉ ở loài người mới có. Mặt khác, cũng do có sự chi phối bởi trí tuệ, sự hoạch định bởi ý chí con người, nên bất cứ cuộc đấu tranh nào trong xã hội, dù ít dù nhiều, đều hàm chứa sự vận dụng quyền mưu. Đấu tranh trong nội bộ loài người là hiện tượng tự nhiên-xã hội, xảy ra trong tự nhiên-xã hội, nên tất yếu phải tuân theo những nguyên lý-qui luật của tự nhiên-xã hội. Vậy, thực chất của thực hành quyền mưu trong một cuộc đấu tranh là trên cơ sở suy đoán, phân tích đã "nắm bắt" được đặc điểm, tình hình về mối tương quan lực lượng tham gia đấu tranh cũng như về môi trường tự nhiên-xã hội của cuộc đấu tranh đó mà hoạch định sách lược, thủ thuật trên tinh thần sáng tạo, biết tranh thủ và vận dụng qui luật, để từ đó vận động chuyển hóa lực lượng một cách phù hợp qui luật theo hướng tối ưu nhất có thể, nhằm tạo ra lợi thế áp đảo (nguyên nhân), khuất phục đối phương (kết quả), đi đến thắng lợi (nhân nào quả nấy!). Hay nói đơn giản hơn, quyền mưu là những cách thức, phương thức, biện pháp được đề ra, được vận dụng vào việc chỉ đạo, tiến hành trong đấu tranh nhằm hướng tới thắng lợi.
-Như thế, thực chất của một cuộc đấu tranh giữa người với người rõ ràng là cuộc đấu trí-lực nhằm phân định thắng-thua trong tranh quyền đoạt lợi, và vì vậy mà quá trình đấu tranh xã hội cũng được coi như đồng thời là quá trình phát sinh, phát triển, và ngày càng hoàn thiện lý thuyết về thủ đoạn giành thắng lợi với tên gọi: "Quyền mưu". Trong đấu tranh, ai có quyền mưu hay hơn, thực hành quyền mưu giỏi hơn, nghĩa là có mục đích và phương pháp đấu tranh hợp lý hơn, thì có khả năng giành thắng lợi cao hơn. Qua đó mà thấy, dương cao ngọn cờ chính nghĩa cũng là một quyền mưu, nhưng không phải cứ có chính nghĩa là giành được thắng lợi!
-Có thể phân tương đối đấu tranh trong xã hội thành hai loại là đấu tranh không vũ trang và đấu tranh có vũ trang. Xét về mặt căng thẳng, quyết liệt thì đấu tranh vũ trang (còn gọi là chiến tranh), vì hầu như chỉ có thể khuất phục nhau bằng cách triệt tiêu lực lượng của nhau (trong đó chủ yếu là bằng giết chóc đồng loại!), nghĩa là có tính "kẻ mất người còn", do đó mà cũng có tính tang thương, tính dã man tàn bạo, nên chính là hình thái tột độ, cực đoan nhất của đấu tranh giữa người với người. Cũng vì lẽ đó, chiến tranh là nơi trình hiện sắc nét nhất, dồn dập nhất, biến hóa nhất, đầy đủ nhất về hoạt động quyền mưu và đối chọi quyền mưu giữa các lực lượng tham chiến.
-Về đại thể, cũng có thể phân chiến tranh thành hai loại, đó là chiến tranh xâm lược-chống xâm lược và chiến tranh huynh đệ tương tàn (nội chiến). Nói chung, chiến tranh xâm lược-chống xâm lược là cuộc xung đột vũ trang giữa hai lực lượng, một bên là lực lượng xâm chiếm lãnh thổ nhằm cướp bóc của cải, tài nguyên thiên nhiên của nhân dân bản địa và hơn nữa, nhằm nô dịch họ, một bên là lực lượng bản địa chống lại sự xâm chiếm nhằm cướp bóc ấy (kháng chiến vệ quốc). Không phải là tất định, nhưng trong chiến tranh xâm lược-chống xâm lược, thường thì lực lượng tiến hành xâm lược, vì chủ động gây chiến, tàn phá, dùng bạo lực vũ trang áp chế để chiếm đoạt quyền lợi sống còn của nhân dân sở tại, nên mang tính phi nghĩa, còn lực lượng đứng lên chống xâm lược, vì có mục đích duy nhất là bảo vệ quyền lợi sống còn chính đáng của mình, của nhân dân mình, nên mang tính chính nghĩa.
-Trong mọi cuộc chiến tranh, lực lượng nào cũng mong giành được thắng lợi chung cuộc, nhưng muốn thế, phải tìm cách tiêu diệt lực lượng đối phương, đập tan ý chí chiến đấu của đối phương, do đó ý tưởng tiến công trở thành ý tưởng chủ đạo và thường trực trong quá trình xây dựng kế hoạch tác chiến, và hiện tượng nổi trội, có tính phổ biến trong đấu tranh vũ trang đương nhiên là hành động tấn công. Tuy nhiên tùy thuộc vào tình hình về điều kiện, hoàn cảnh thực tế của chiến trường cũng như về sự tương quan lực lượng giữa các bên tham chiến mà tùy lúc, tùy thời kỳ, tùy nơi không phải thực hành tấn công mà trước hết là chống tấn công, giữ vững trận địa hay bảo toàn lực lượng, tránh bị tiêu diệt, nghĩa là phải thực hành phòng thủ, phòng ngự, rút lui chiến thuật-chiến lược. Nói cách khác, có nhiều hình thức chiến đấu trong chiến tranh như tiến công, tấn công, phòng thủ, phòng ngự trận địa, rút lui,...,  nhưng tựu trung lại, có hai phương thức chiến đấu cơ bản trong chiến tranh là tiến công và phòng ngự, với tiến công đóng vai trò là yếu tố tiền đề. Hai phương thức này là nguyên nhân tồn tại của nhau, có mối quan hệ chuyển hóa lẫn nhau, vì trong tiến công vốn hàm chứa tính phòng ngự cũng như trong phòng ngự vốn hàm chứa tính tiến công nên tiến công có thể chuyển biến sang phòng ngự và ngược lại phòng ngự có thể chuyển biến sang tấn công, tùy thuộc vào sự đánh giá tình hình diễn biến chiến trường và quyết định chủ quan của mỗi lực lượng tham chiến.
-Xét riêng chiến tranh xâm lược-chống xâm lược, vì có dã tâm và mưu đồ từ trước nên lực lượng xâm lược, dù cố che đậy bằng bất cứ chiêu bài nào thì bao giờ cũng là kẻ chủ động tìm cách gây hấn trước. Cũng vì đã sẵn mưu đồ và đã nung nấu ý chí xâm lược cũng như có thể dự đoán được khả năng phát sinh những tác động bất lợi về chính trị, kinh tế, quân sự đến cuộc xâm lược khi chiến tranh kéo dài, cho nên thường thì kẻ xâm lược mở màn chiến tranh với một lực lượng vũ trang hoàn bị nhất, hùng hậu nhất có thể, nhằm áp đảo lực lượng kháng chiến, hòng giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất. Điều đó giải thích hiện tượng trong lịch sử chiến tranh, hầu như lực lượng xâm lược nào cũng chọn phương án chiến tranh tấn công bất ngờ, vũ bão, liên tục, nhằm đánh nhanh thắng nhanh, và khi không thực hiện được phương án đó, bị sa lầy, phải chuyển sang cầm cự, co cụm phòng thủ, thì cũng là lúc nguy cơ bại trận một cách ô nhục đã hiển hiện nhãn tiền.
-Dân tộc Việt có hai đức tính cực kỳ quí báu là hiền hòa và bất khuất. Hai đức tính ấy đã được hun đúc nên ngay ở thời tiền sử, từ quá trình mưu sinh của tổ tiên dân tộc Việt trong một thiên nhiên trù phú nhưng không sẵn đãi bày, êm đềm nhưng cũng lắm lũ lụt bão giông. Đó là hai đức tính nền tảng cơ bản, tương phản mà cũng tương hợp nhau, tác động chuyển hóa nhau, tạo tiền đề xuất hiện những đức tính đẹp đẽ khác mang tính truyền thống trong tâm hồn dân tộc Việt, chẳng hạn như bình tĩnh khi cân nhắc, kiên quyết khi hành động trong những tình huống khó khăn, hiểm nghèo, mà tiêu biểu nhất đó là có tinh thần yêu quê hương-đất nước nồng nàn nhưng không hề cuồng tín dân tộc. Ai cũng có thể rút ra được nhận định có ý nghĩa kết luận đó từ kho tàng truyền thuyết Việt Nam mà tiêu biểu là sự tích "Sơn Tinh, Thủy Tinh", sự tích xây dựng thành Cổ Loa, sự tích Thánh Gióng, sự tích "Bánh chưng, bánh dầy"...
-Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại từ khi lập quốc (nước Văn Lang) cho đến nay, ở thời đại nào cũng vậy, chỉ là một tổ quốc đất không rộng, người không đông, ấy vậy mà đã từng dám đương đầu với mọi đội quân xâm lược hùng mạnh, thậm chí là hùng mạnh nhất khu vực, nhất thế giới đương thời, và hơn nữa là dù đôi khi phải chịu thất bại tạm thời thì sớm muộn gì cũng giành thắng lợi chung cuộc một cách oanh liệt, cũng tự giải phóng ách ngoại xâm bằng những chiến thắng hết sức vẻ vang. Đó chính là truyền thống chống ngoại xâm đầy tự hào của dân tộc Việt.
-Có được truyền thống chống ngoại xâm đầy tự hào trước hết là vì dân tộc Việt hiền hòa mà bất khuất, bất khuất trong hiền hòa, nhưng không phải hoàn toàn vì điều đó, mà còn vì điều tối quan trọng này, với kinh nghiệm tích lũy được từ công cuộc đấu tranh trường kỳ, nỗ lực bảo vệ và duy trì sống còn trước thiên tai bão tố lũ lụt cũng như trước địch họa xâm lăng với không ít những bài học đau thương trong suốt thời kỳ tiền-sơ sử dựng nước, dân tộc Việt đã dần đúc kết được đường lối hành động cốt yếu mà cũng chung nhất, có tính qui luật, có tầm chân lý (có thể coi là một luận điểm tinh hoa trong kho tàng nghệ thuật quân sự thế giới!) cho bản thân mình trong đấu tranh chống quân xâm lược, đó là đối với một dân tộc nhỏ, trên một lãnh thổ không rộng, muốn đối đầu thắng lợi trước một thế lực xâm lược bạo cường, có sức mạnh áp đảo ban đầu, thì phải nêu cao được ngọn cờ chính nghĩa, hướng tới qui tụ quốc dân thành một khối đoàn kết, trên dưới một lòng xả thân vì quê hương-đất nước, từ cơ sở nền tảng ấy mà ứng phó, xây dựng lực lượng vũ trang, chuẩn bị thế trận, phát động kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ.
-Như vậy, phương châm lấy đấu tranh trường kỳ khuất phục chủ trương đánh mạnh, thắng nhanh của quân xâm lược đã trở thành sách lược hàng đầu, thể hiện cô đọng nhất đường lối chống xâm lược của dân tộc Việt, và lịch sử Việt Nam cũng chỉ ra rằng, trước bất cứ lực lượng xâm lăng dù hùng mạnh đến cỡ nào chăng nữa, một khi dân tộc Việt tiến hành và duy trì được cuộc kháng chiến trường kỳ, tạo được xu thế càng đánh càng mạnh, thì đều giành được thắng lợi.
-Đặc trưng nổi bật của kháng chiến trường kỳ và đồng thời cũng là phương thức tác chiến chiến lược được áp dụng vào giai đoạn đầu kháng chiến của dân tộc Việt chính là PHÒNG THỦ TÍCH CỰC. Phòng thủ tích cực không phải là phòng ngự co cụm bị động mà trái lại là cuộc chủ động hành binh lớn theo kế hoạch một cách đầy linh động sáng tạo nhằm tạm thời tránh né giao chiến lớn, bảo toàn lực lượng và tiếp tục xây dựng lực lượng kháng chiến, đồng thời cũng là một cuộc dàn binh tạo thế trận thiên la địa võng, tích cực tiến công quấy rối tiêu hao lực lượng địch ở mọi lúc mọi nơi khi có thời cơ thuận lợi. Hay có thể nói phòng thủ tích cực là lấy linh động chiếm giữ những nơi xung yếu trên tinh thần phòng tránh bị tiêu diệt, tạo tình thế buộc địch phải phân tán, dàn mỏng binh lực, làm quyết sách chiến lược, lấy cơ động tạo cơ hội thuận lợi phản kích, đột kích, đánh tiêu hao sinh lực địch vào mọi lúc mọi nơi làm quyết sách chiến thuật.
-Rất có thể dân tộc Việt đã nhận biết được cái tinh thần như một lẽ tự nhiên của phương thức phòng thủ tích cực ngay từ thuở hồng hoang, sơ sử dựng nước, trong công cuộc trị thủy ở miền châu thổ chằng chịt sông hồ ao chuôm lầy lội, quanh năm mưa bão, thường xuyên lũ lụt. Thử hình dung cư dân ở miền châu thổ ấy xử sự thế nào trong mùa bão tràn nước nổi, khi lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về. Ở yên một chỗ là chết chìm, chạy dài mãi ra biển là chết trôi, vậy muốn sống còn thì cư dân ở đó chỉ còn cách phải chống cự lại. Nhưng làm sao mà chống lại được sức nước ồ ạt bạo cuồng lúc ban đầu của thiên tai? Họ sẽ tránh né bằng cách tạm sơ tán ra xung quanh, lên những vùng có thế đất cao, đồng thời đoàn kết lại, hợp sức cùng nhau, tích cực kề vai sát cánh đắp đê, dựng lũy giữ thổ, khơi ngòi tiêu thủy để hạn chế sức mạnh của nước, và đợi khi nước dần hạ thì họ đồng loạt trở về tiềp tục be bờ đắp đập, khôi phục lại nhà cửa, ruộng vườn...Hình ảnh phòng thủ tích cực trong kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt, nhìn ở góc độ cách điệu tinh giản nhất và hồn nhiên nhất, phải chăng cũng là như thế? Tuy nhiên, xét trên bình diện lý thuyết tổng quát, thì phòng thủ tích cực là một đề tài khoa học có nội dung sâu rộng thuộc lý thuyết quyền mưu, không chỉ áp dụng cho riêng chiến tranh mà cho cả đấu tranh của con người vói thiên nhiên, cả đấu tranh giữa người với người trong xã hội (chính trị, quân sự, ngoại giao) nói chung.
-Vì thấm nhuần được ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của phòng thủ tích cực, nên trước những lực lượng xâm lược hùng hậu, có sức mạnh áp đảo ban đầu, ông cha ta thường lấy phòng thủ tích cực làm bước đi chiến lược đầu tiên của cuộc kháng chiến được xác định tư tưởng là toàn dân, toàn diện và trường kỳ. Chủ yếu nhờ thực hiện và thực hiện được một cách tài tình bước đi chiến lược đó mà các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên đời Nhà Trần, chống quân Minh thời Lê Lợi, chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ trong thời đại Hồ Chí Minh đều đã giành thắng lợi có tính thần kỳ.
-Hồ Quí ly, như đã nói, chỉ vì tham vọng đế vương mù quáng mà gây vô vàn đau thương cho dân tộc Việt. Tội lỗi nhất là tổ chức một cuộc chống xâm lăng thất bại thảm hại. Bởi vì sao? Thứ nhất, Hồ Quý Ly thực hiện cải cách kinh tế vì chỉ muốn củng cố vương triều mình chứ không phải thực sự vì cuộc sống của đại chúng, của dân tộc Việt, nên từ đó làm cho dân tình oán thán, lòng người ly tán đến mức mà theo lời Nguyễn Trãi: "Trăm vạn người, trăm vạn lòng". Rất buồn khi lịch sử còn lưu lại chuyện, khi Hồ Quí Ly hỏi tả hữu: "Làm thế nào có trăm vạn quân để đánh giặc Bắc?", Hồ Nguyên Trừng (con trai thứ của Hồ Quí Ly, một tướng quân sự có tài của Đại Ngu) đã nói: "Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi!". Thứ hai, xét về mặt số lượng và chất lượng thì quân đội Đại Ngu không thua kém, thậm chí có mặt còn trội hơn đội quân xâm lược Nhà Minh, nhưng vì bất tài, không có một chút mẫn cảm quân sự, nên Hồ Quí Ly đã không tiếp thu được tinh hoa chống xâm lược của dân tộc Việt, nghĩa là không biết lấy phòng thủ tích cực mà lại lấy phòng ngự trận tuyến làm quyết sách chiến lược, thụ động chờ giặc huy động tập trung binh lực tiêu diệt nhanh chóng hết tiền đồn phòng ngự này đến chiến tuyến phòng ngự khác, khi rút lui thì chạy dài, không tạo được thế trận đánh giặc trường kỳ, vừa đánh vừa củng cố lực lượng, đồng thời nhờ có thời gian mà tỏ dần tính chính nghĩa để càng đánh càng mạnh, chờ cơ hội lật ngược thế trận...
-Tất cả những khẩu khí còn lưu lại đến ngày hôm nay của các vị anh hùng dân tộc Việt trong đấu tranh chống xâm lược đều hàm chứa trong đó cái "ý tưởng tôn vinh" phòng thủ tích cực, như "Kiên thủ chờ suy" của Trần Hưng Đạo, "Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo" và "Lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều" của Nguyễn Trãi, hay "Người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm dẻo chứ không phải lấy mạnh đè yếu, lấy nhiều hiếp ít" của Quang Trung... Nhưng tựu trung nhất, cái cơ sở tự nhiên, có vai trò cội nguồn khách quan xuất phát cho mọi quyết sách quyền mưu đúng đắn, là chân lý sáng ngời này:
                              Dĩ bất biến ứng vạn biến
                              Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm
(Lấy sự chính nghĩa, am hiểu thời cuộc, thông thuộc qui luật để chủ động, bình tĩnh ứng phó thích hợp trong mọi hoàn cảnh, trước mọi biến đổi tình hình.
Lấy tâm hồn yêu-ghét, mong cầu của đại chúng nhân quần làm nền tảng mà suy xét sự đời, từ đó mà biết lấy "vì dân vì nước" làm mục đích tối thượng cho hành động, cũng có nghĩa là biết hành động hợp lòng dân.)
-Ngày nay, tiến trình văn minh đã làm cho tính năng hủy diệt của vũ khí và trang thiết bị chiến tranh đạt mức nhanh, mạnh và chính xác đến ghê hồn. Điều đó làm cho cách bày binh bố trận chống xâm lược cũng phải biến đổi khác hẳn xưa kia. Tuy vậy, tối ưu lựa chọn để có cơ may cao nhất giành thắng lợi đối với một lực lượng kháng chiến yếu hơn trước một đế quốc bạo cường lăm le xâm lược có lực lượng mạnh hơn, thậm chí hoàn toàn áp đảo, vẫn là phòng thủ tích cực trên nền tảng kháng chiến trường kỳ-toàn dân-toàn diện, vì đó là chân lý bất di bất dịch!
ĐC

--------------------------------------------------------

(ĐC sưu tầm trên NET)


NHỮNG QUYẾT ĐỊNH LỊCH SỬ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

64 năm về trước, khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) cùng một lúc phải đối phó với nhiều loại kẻ thù, để tranh thủ thời gian từng bước đưa nước nhà vượt qua những gian nan, thử thách và thoát khỏi tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp (6-3-1946), Tạm ước Việt - Pháp (14-9-1946). Và để “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Hồ Chí Minh - con người của những quyết sách sáng tạo, trong những thời khắc của lịch sử đã kịp thời ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), lãnh đạo nhân dân Việt Nam vững vàng bước vào cuộc trường chinh chống thực dân Pháp xâm lược.  

Gần 3 tháng sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam mới, ngày 1-12-1945, Hồ Chí Minh đã cùng Võ Nguyên Giáp và Hoàng Minh Giám chính thức gặp gỡ và trao đổi với Giăng Xanh-tơ-ny, Pi-nhông về các vấn đề liên quan đến hai quốc gia Việt - Pháp. Đây có thể được coi là cuộc họp đầu tiên giữa đại diện của nhà nước Việt Nam DCCH với đại diện của Chính phủ Pháp. Tuy nhiên, đến cuối tháng 2-1946, trong cuộc tiếp xúc Việt-Pháp, hai bên vẫn chưa đi đến được thoả thuận. Các vấn đề tồn tại như: chủ quyền, quyền ngoại giao của Việt Nam, vấn đề Nam bộ, số lượng và thời gian quân Pháp ở miền Bắc… dường như vẫn là những trở ngại khó vượt. Nhà sử học Pháp Phi-lip Đờ-vin-lơ cho rằng, đó thực sự là “những cuộc mặc cả gay go”, bởi  phía Pháp vẫn muốn coi Việt Nam là một nước tự trị trong Liên hiệp Pháp, song lập trường của Việt Nam trong quan hệ với Pháp là độc lập và hợp tác.

Ngày 28-2-1946, Hiệp ước Hoa-Pháp được ký kết tại Trùng Khánh. Thực dân Pháp và chính quyền Tưởng đã mặc cả, mua bán với nhau về quyền lợi của Việt Nam, chà đạp thô bạo chủ quyền độc lập của Việt Nam. Tình thế mới và những rối ren, bất thường sau Hiệp ước Hoa-Pháp đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta khi thực hiện đàm phán với thực dân Pháp, phải lựa chọn và quyết định nhanh chóng.

Trên cơ sở phân tích một cách khách quan những điều kiện trong nước và quốc tế, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã chủ trương đàm phán với Pháp, song "không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy, và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta"(1). Quyết định đàm phán với Pháp trên nguyên tắc Việt Nam độc lập, phiên họp bất thường của Chính phủ ngày 4-3-1946 đã cử Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam phụ trách việc đàm phán với đại diện của Chính phủ Pháp. Trong các phiên họp áp chót, mấy vấn đề lớn đã đi đến được thoả thuận, nhưng trong phiên chót, quá nửa đêm ngày 5-3-1946, vấn đề thể chế chính trị của Việt Nam vẫn còn là chiếc nút chưa thể gỡ.

Trong khi đó, ngoài khơi, quân Pháp đang vào cảng Hải Phòng, tướng Trung Quốc Hoàng Khắc Thành đang thúc giục…Cái nút chưa gỡ được làm Xanh-tơ-ny ra về trong lo lắng. Cuối cùng, Hồ Chí Minh đã “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để tìm ra được cách giải quyết. Công thức “quốc gia tự do” trong Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp do Hồ Chí Minh chọn trong một thời khắc nhạy cảm, nói về chủ quyền của Việt Nam đã được thông báo cho Xanh-tơ-ny vào tảng sáng 6-3-1946. Ngay khi đó, phía Pháp đã chấp nhận công thức này.

Nội dung của Hiệp định có liên quan đến chủ quyền, quyền lợi của quốc gia, nên Hội đồng Chính phủ (họp phiên đặc biệt sáng 6-3-1946) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã xem xét, nhất trí ra nghị quyết, đồng thời uỷ quyền cho Phó chủ tịch Kháng chiến Vũ Hồng Khanh thay mặt Chính phủ cùng Hồ Chí Minh ký hiệp định trên với Chính phủ Pháp.

Chiều ngày 6-3-1946, Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh đã ký với Giăng Xanh-tơ-ni, đại diện của Chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 tại 36 Lý Thái Tổ, Hà Nội, trước sự chứng kiến của đại diện Trung Quốc, Mỹ, Anh và Lu-i Ca-puýt (đại diện Đảng Xã hội Pháp SFIO). Bản phụ khoản của hiệp định cũng đã được Võ Nguyên Giáp ký với Giăng Xanh-tơ-ni và Ra-un Xa-lăng với nội dung cơ bản như: Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam DCCH là một quốc gia tự do, có chính phủ, có nghị viện, quân đội, tài chính của mình và là một quốc gia độc lập trong Liên bang Đông dương và Liên hiệp Pháp... cùng các thoả thuận khác như: Việt Nam thuận cho 15 nghìn quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam thay thế quân đội Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật. Số quân đó sẽ phải rút hết trong 5 năm và mỗi năm sẽ rút 1/5…

Hiệp định được ký ngày 6-3-1946, nhưng bản Phụ khoản của Hiệp định đến ngày 12-3-1946 mới được chuyển về Pháp. Vụ Á-Úc của Bộ Ngoại giao Pháp cho rằng: nội dung của bản Phụ khoản có nhiều điểm không có lợi cho Pháp. Vì  vậy, cần phải có những biện pháp để quân đội Pháp không bị gạt ra khỏi miền Bắc Việt Nam trong vòng 5 năm, mà trước hết là không hạn chế ở con số 15 nghìn quân. Ngày 18-3-1946, từ Pa-ri, Mu-tê đã điện cho Đác Giăng-li-ơ và nhấn mạnh: “Về phần tôi, tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn các hiệp định của ông và sẽ bảo vệ trước Quốc hội tất cả cái gì ông đã làm mà tôi cũng hoàn toàn liên đới…”. Sự chỉ đạo của Pa-ri đã bật đèn xanh để thực dân Pháp cố tình phá hoại Hiệp định và gây chiến sau đó.

Mặc dầu Hiệp định đã được ký kết, mặc dầu buộc phải thừa nhận tư cách pháp lý của nhà nước Việt Nam DCCH, nhưng trên thực tế, thực dân Pháp vẫn âm mưu tách Nam kỳ ra khỏi Việt Nam và bật đèn xanh cho các hành động quân sự nhằm tái chiếm Đông Dương. Để tránh những xung đột quân sự và bất lợi, để tranh thủ thời gian hoà hoãn, đồng thời thực hiện đấu tranh ngoại giao, đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam DCCH đã sang Pháp và tiến hành hoà đàm ở Phông-ten-nơ-blô từ ngày 6-7-1946. Cùng thời gian đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sang thăm nước Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Hoà đàm Phông-ten-nơ-blô không tiến triển được, phải tạm hoãn từ ngày 1-8-1946 do thái độ hết sức ngoan cố, ích kỷ của thực dân Pháp. Thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp gặp gỡ các nhân vật trọng yếu của Chính phủ Pháp để thoả thuận cho việc nối lại đàm phán. Trong khi đó, ở trong nước, phía Pháp thường xuyên vi phạm những điều khoản của Hiệp định sơ bộ.

Hội nghị Phông-ten-nơ-blô đã tan vỡ, do Pháp không thật thà đàm phán, không thiện chí trước nguyện vọng chính đáng: “Một là vấn đề Chính phủ Pháp thừa nhận nền độc lập của nước Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp. Hai là vấn đề tổ chức trưng cầu dân ý”(2) của toàn thể nhân dân Việt Nam. Ngày 15-8-1946, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam DCCH đã rời Pa-ri về nước. Những bất trắc có thể xẩy ra và nguy cơ một cuộc chiến tranh lan rộng đã đến rất gần. Trước tình hình căng thẳng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định lưu lại Pháp ít ngày. Ngày 15-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với báo Franc-Tireur: “Tôi đến đây để xây dựng hoà bình. Tôi không muốn về nước với hai bàn tay không. Tôi muốn đem về cho nhân dân Việt Nam những kết quả cụ thể, sự hợp tác mà chúng ta đều mong muốn…” (3) và dường như một “quyết sách đúng đắn đến thường tình, được bật ra trong một phản ứng tự nhiên như từ trực giác cách mạng”- “thường có ở Hồ Chí Minh” đã đưa Người đi đến quyết định: Ký với Mu-tê một thoả hiệp tạm thời vào ngày 14-9-1946 (gồm 11 điều khoản).

Tạm ước Việt Pháp chưa làm cho Hồ Chí Minh và toàn thể nhân dân Việt Nam thoả mãn, bởi rằng Tạm ước mới chỉ nêu những thoả thuận về nguyên tắc mà các tiểu ban hỗn hợp sẽ cụ thể hóa cách thực hiện bằng một hiệp định đầy đủ và dứt khoát sau đó. Tuy vậy, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, đó thực sự là sự lựa chọn đúng đắn. Quyết sách tài tình này đã tạo điều kiện cho nhân dân ta có thêm thời gian hoà bình để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc kháng chiến mà theo nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng thì tất yếu sẽ xảy ra.

Linh hoạt trong ứng biến, mềm dẻo trong từng cách xử thế, càng nguy hiểm khó khăn, Hồ Chí Minh càng bình tĩnh và sáng suốt. Con đường để đi đến “độc lập cho Tổ quốc", "tự do cho đồng bào” dù có thể khúc khuỷu, quanh co, nhưng với Hồ Chí Minh - đó là mục tiêu nhất quán – là “dĩ bất biến”. Vì vậy, dù không thể trong một lúc mà có được tất cả, thì việc quyết định giải pháp ký Hiệp định sơ bộ Việt Pháp Tạm ước Việt Pháp cách đây 64 năm (1946-2010) đã thực sự là một quyết định chính xác, kịp thời, sáng tạo và đầy linh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khi tình hình “đã căng như dây đàn”.

Nguy cơ chiến tranh đến gần, ngày 5-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Chỉ thị Công việc khẩn cấp bây giờ, nêu rõ nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân là kháng chiến và kiến quốc. Cả hai việc đều cần phải có nhiều người: người về quân sự, kinh tế, giao thông… Theo Người, lực lượng đó là đảng viên, thanh niên, là những phần tử hăng hái trong nhân dân, và nếu khéo vận động, khéo huấn luyện, đào tạo, biết đặt đúng việc, thì rất có ích cho đất nước. Cũng theo lời Người, chúng ta phải làm cho dân hiểu cuộc kháng chiến sẽ trường kỳ, rất gay go, cực khổ, nhưng lực lượng địch chỉ có hạn, lại ở xa, cho nên mọi người phải hăng hái tham gia du kích và tăng gia sản xuất khắp nơi; phải có tín tâm và quyết tâm, thì nhất định đi đến thắng lợi hoàn toàn. Đó chính là những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện.

Tình hình ngày càng xấu đi nghiêm trọng, trong khi Việt Nam đã nhân nhượng để cứu vãn hoà bình, thì thực dân Pháp lại càng lấn tới. Trong điều kiện thực tế đó, ngày 18 và 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ tọa Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng tại làng Vạn Phúc, Hà Đông. Tại Hội nghị, sau khi phân tích sâu sắc tình hình của ta, âm mưu của địch, Hội nghị đã quyết định tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước, với đường lối kháng chiến: toàn dân, toàn diện, trường kỳ. Sau khi Hội nghị thông qua Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và sáng sớm ngày 19-12-1946, khi quân Pháp gửi tối hậu thư lần thứ 3 (hạn trong 24 giờ đồng hồ, tự vệ Hà Nội phải hạ vũ khí, đình chỉ ngay những hành động chuẩn bị kháng chiến), thì 20 giờ 3 phút ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ theo lời kêu gọi của  lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong lời hịch vang dội núi sông đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi cả dân tộc quyết tâm kháng chiến: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!…Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”(4).

Đó là một quyết định lịch sử, chính xác, kịp thời của Đảng, Ban thường trực Quốc hội , Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trước vận mệnh của nước nhà. Đó cũng là ý chí, là quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng (đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh) trước dã tâm xâm lược của kẻ thù. Với 3 quyết định dứt khoát, kịp thời, có ý nghĩa vô cùng to lớn trong những thời khắc lịch sử của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam DCCH, nhân dân Việt Nam đã bình tĩnh tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược.

Dù phải cầm súng và phải gian lao kháng chiến, dù phải đợi 9 năm sau đó, với chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (1954), cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam theo lời hịch của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới giành được thắng lợi, song với nghệ thuật “giành thắng lợi từng phần”, với những quyết định kịp thời, quyết đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị thế và thiện chí hoà bình của nhà nước Việt Nam DCCH đã được nâng cao trên trường quốc tế. Mặc dù không muốn chiến tranh, song, không cam tâm làm nô lệ và quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, thế trận chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam đã được triển khai trên cả nước.

---------------
       (1). Đảng CSVN, Văn kiện Đảng toàn tập, NXBCTQG, H,2001, t.8, tr.46. (2). Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Văn kiện Quốc hội Toàn tập, NXB CTQG, H,2006, t.1, tr.85. (3). Bộ ngoại giao, Chân dung năm cố bộ trưởng ngoại giao, NXBCTQG, H,2005, tr.56. (4). Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXBCTQG, H,2000, t.4, tr.480.
                  
Trần Thanh Mai, Nguồn: Tạp chí Tuyên Giáo 
(ĐC chép từ http://dostquangtri.gov.vn)

                                                                                          

HỒ QUÝ LY
Tiểu sử
Hồ Quý Ly tự là Lý Nguyên, sinh năm 1336. Người ở hương Đại Lại. Tổ tiên vốn họ Hồ, nguyên ở vùng Bào Đột đất Diễn Châu, đến đời Hồ Liêm mới dời ra Đại Lại. Vì Hồ Liêm làm con nuôi của Tuyên úy Lê Huấn, nên đổi họ là Lê. Do đó mà Hồ Quý Ly, cháu bốn đời của Hồ Liêm, còn được sử sách gọi là Lê Quý Ly.
Hồ Quý Ly có hai người cô ruột đều là cung nhân của Trần Minh Tông: một người là Minh Từ, sinh ra Trần Duệ Tông. Từ quan hệ ngoại thích, Hồ Quý Ly từ từ được nhà Trần tin dùng, đặc biệt là Trần Nghệ Tông. Năm 1371, từ chức Chi hậu tứ cục chánh chưởng, Hồ Quý Ly được thăng lên chức Khu mật diện đại sứ. Ít lâu sau, được phong thêm chức Trung tuyên quốc thượng hầu... Năm 1379, thêm chức Tiểu tư không và Nguyên nhung hành Hải tây đô thống chế... Năm 1387, được phong Đồng bình chương sự, vua Trần ban cho một thanh gươm và một lá cờ đề chữ Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức... Năm 1395, làm chức Nhập nội phụ chính Thái sư, Bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên trung vệ quốc đại vương, đeo lân phù bằng vàng... Năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, tự xưng làm vua, đổi tên nước là Đại Ngu. Năm 1406, quân Minh sang xâm lược nước ta. Hồ Quý Ly tuy có tổ chức cuộc kháng chiến chống lại, nhưng căn bản vì nhà Hồ lên ngôi một cách bất chính, lại thi hành nhiều chính sách vụ lợi cho giòng họ mình trước hết, làm mất lòng dân, không đoàn kết được toàn dân, nên cuối cùng bị thất bại. Hồ Quý Ly bị quân xâm lược nhà Minh bắt đưa về nước năm 1407, cùng với con là Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương. Không rõ mất năm nào.
Về mặt học thuật, Hồ Quý Ly có nhiều cái nhìn độc đáo so với người đương thời, nhất là chủ trương dùng chữ Nôm để dịch và giới thiệu nhiều sách kinh điển bằng chữ Hán. Theo sử chép, thì năm 1392, Hồ Quý Ly có soạn sách Minh đạo gồm 14 thiên, trong đó gọi Chu Công là Thiên thánh, Khổng Tử là Tiên sư...; cho sách Luận ngữ có một số chỗ đáng ngờ, như việc Khổng Tử ra mắt nàng Nam Tử, việc Khổng Tử ở nước Trần hết lương, việc Phất Bật gọi mà Khổng Tử muốn đến...; cho Hàn Dũ là nhà nho ăn trộm (đạo Nho); cho Chu Đôn Di. Trình Hiệu, Trình Di, Dương Thi, Lý Diên Niên, Chu Hy đều là những kẻ tuy học rộng nhưng tài kém, không chú ý đến thực tế, chuyên đánh cắp văn chương của người xưa. Ngoài ra, Hồ Quý Ly còn dịch thiên Vô dật trong Thư kinh (năm 1395), làm sách Thi nghĩa cũng phần nhiều viết theo ý riêng của mình, không theo tập truyện của Chu Hy.
Tác phẩm: hiện còn 5 bài thơ (1 bài trong Đại Việt sử ký toàn thư và 4 bài chép trong Toàn Việt thi lục).
.agu.edu.vn

Chiến tranh Minh - Đại Ngu

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chiến tranh Minh-Đại Ngu, hay thường được giới sử học Việt Nam gọi là cuộc xâm lược của nhà Minh 1406-1407, là cuộc chiến của nhà Hồ nước Đại Ngu chống cuộc xâm chiếm của nhà Minh dưới triều Minh Thành Tổ.

Hoàn cảnh

Cuối thế kỷ 14, nhà Trần kể từ vua Trần Dụ Tông cai trị nước Đại Việt suy yếu nghiêm trọng. Nước Chiêm Thành nhỏ bé phía nam nhiều lần tấn công, cướp phá kinh thành Thăng Long, nhà Trần không ngăn cản được.
Trong khi đó nhà Minh ở phương bắc trong thời kỳ mới thành lập, đánh đuổi được người Mông Cổ về Mạc Bắc, thế lực hùng mạnh. Ngay sau cái chết của vua Trần Duệ Tông tại đất Chiêm Thành cùng thất bại nặng nề tại chiến trường phía nam của nhà Trần năm 1377, Minh Thái Tổ đã có ý định nhân cơ hội đó xâm chiếm Đại Việt. Tuy nhiên, vì lời can đạo lý của thái sư Lý Thiện Trường, vua Minh tạm thôi ý định nam tiến.
Tuy chưa đánh Đại Việt nhưng trong nhiều năm kể từ năm 1384, nhà Minh nhiều lần ra yêu sách đòi nhà Trần cống nạp, như cung cấp người giỏi, nhà sư, giống cây hoặc giúp quân, lương thực, voi chiến để đánh người Man ở biên giới Trung Quốc. Do đang bị vướng vào cuộc chiến dữ dội với Chiêm Thành phía nam, nhà Trần phải đáp ứng những yêu sách đó để yên biên giới phía bắc.
Năm 1400, Hồ Quý Ly giành ngôi nhà Trần, không lâu sau nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương để lên làm thượng hoàng. Nhà Minh tiếp tục ra yêu sách khiến Hồ Hán Thương phải rất vất vả cung ứng. Tuy nhiên, nhà Minh vẫn không thôi ý định đánh chiếm nước Đại Ngu để biến trở thành quận huyện như các thời Bắc thuộc trước đây.

Hoạt động trước cuộc chiến của hai bên

Do thám

Từ năm 1403, nhà Minh sai những người bị nhà Trần mang cống nạp sang phương Bắc trước đây, vốn thông thạo đường xá ở Đại Ngu, như Nguyễn Toán, Từ Cá, Nguyễn Tông Đạo trở về do thám tình hình và chuẩn bị làm nội ứng. Họ bí mật dặn người nhà:
Nếu có quân phương bắc sang thì dựng cờ vàng và nhận là người thân của nội quan có họ tên mỗ… thì sẽ không bị giết hại
Tuy nhiên việc này bị nhà Hồ phát hiện và bắt giết hết các thân thuộc của mấy người do thám cho nhà Minh.

Mặt trận phía nam

Trong khi bị nhà Minh uy hiếp ở phía Bắc, nhà Hồ liên tục mở mặt trận phía nam để mở rộng đất đai từ Chiêm Thành. Sau khi buộc vua Chiêm dâng Chiêm Động và Cổ Luỹ để lập ra 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa vào năm 1402, sang năm 1403, Hồ Hán Thương lại tiếp tục đánh Chiêm. Tướng Phạm Nguyên Khôi nhanh chóng tiến đến bao vây kinh thành Chà Bàn của Chiêm Thành. Trong tình thế nguy cấp, vua Chiêm bèn sai sứ cầu cứu nhà Minh. Minh Thành Tổ điều 9 thuyền chiến vượt biển sang cứu Chiêm.
Phạm Nguyên Khôi vây hãm Chà Bàn trong 9 tháng nhưng không hạ được. Quân Đại Ngu hết lương, đành phải rút về. Quân nhà Hồ về nửa đường gặp quân Minh ngoài biển. Tướng Minh sai người nói với Nguyên Khôi “nên rút quân về ngay, không nên ở lại”. Nguyên Khôi không giao chiến với quân Minh mà rút về nước, bị Hồ Quý Ly trách sao không giết hết thủy quân nhà Minh.

Đất vùng biên

Năm 1404, thổ quan châu Tư Minh của nhà Minh là Hoàng Quảng Thành tâu với vua Minh Thành Tổ (Chu Đệ) rằng Lộc Châu nguyên là đất cũ của châu Tư Minh. Minh Thành Tổ sai người sang Đại Ngu đòi trả lại đất Lộc Châu cho châu Tư Minh, nhưng Hồ Quý Ly không nghe.
Năm 1405, Chu Đệ lại sai sứ thần sang đòi, Quý Ly không thể từ chối, bèn sai Hoàng Hối Khanh sung làm Cát địa sứ để giao đất. Hối Khanh đem đất 59 thôn ở Cổ Lâu trả cho nhà Minh. Khi Hối Khanh trở về, Hồ Quý Ly quở trách đã trả đất quá nhiều.
Sau đó, những thổ quan do nhà Minh đặt ra để giữ đất mới nhượng ấy, Quý Ly ngầm sai người bản thổ đánh thuốc độc cho chết. Tuy nhiên theo tội thứ 12 trong hịch kể tội của nhà Minh, nhà Hồ cho xâm chiếm châu Lu (Lộc châu?), Xi-ping châu (Tây Bình châu?) và trại Yong-ping thuộc châu Tư Minh, và khi nhà Minh cho người đòi lại, nhà Hồ chỉ trả lại chưa đến 2, 3 phần 10 vùng đất đã chiếm.

Con bài Trần Thiêm Bình

Sau khi cuộc chiến Việt-Chiêm tạm lắng cuối thời Trần, nhiều thổ hào ở Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa và các tướng từng theo Chiêm Thành đều bị hạ lệnh bắt để trị tội. Trong số đó có một người là Trần Tông. Một người gia nô của Trần Tông là Trần Khang trốn sang Lào, đổi tên là Thiêm Bình.
Đến năm 1400, nhân sự kiện Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, lập ra nhà Hồ, Khang mạo xưng là con của Trần Nghệ Tông, chạy sang Trung Quốc cầu viện nhà Minh đánh báo thù.
Năm 1404, nhà Minh sai Lý Ỷ sang hỏi nhà Hồ về việc Trần Thiêm Bình. Lý Ỷ đến công quán sai người do thám tình hình Đại Ngu. Khi Lý Ỷ trở về, Hồ Quý Ly mới phát hiện ý đồ do thám, bèn sai Phạm Lục Tài đuổi theo giết đi, nhưng đến Lạng Sơn thì Ỷ đã ra khỏi biên giới. Lý Ỷ đi thoát về Trung Quốc, tâu với Minh Thành Tổ rằng họ Hồ xưng đế và ngạo mạn.
Sau khi Lý Ỷ về, Hồ Hán Thương sai Nguyễn Cảnh Chân dâng biểu tạ tội và xin rước Trần Thiêm Bình về nước và tôn làm chúa. Minh Thành Tổ hứa phong cho Hán Thương một quận lớn nếu chịu quy phục.

Chuẩn bị lực lượng của hai bên

Nhà Minh


Súng hỏa mai cá nhân thời nhà Mình
Để chuẩn bị lực lượng đánh Đại Ngu, Minh Thành Tổ cho điều động lực lượng từ Nam Kinh, theo đường thủy xuống hội binh với các lực lượng đang tập trung tại Quảng Tây, gồm 95.000 quân từ các tỉnh Triết Giang, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Quảng, cộng với 10.000 kỵ binh và bộ binh từ các đơn vị cấm binh, 30.000 thổ binh từ Quảng Tây. Nhà Minh cũng huy động chuẩn bị tác chiến 75.000 quân kỵ binh và bộ binh từ Vân Nam, Quí Châu, Tứ Xuyên. Các xứ Vân Nam và Quảng Tây được lệnh mỗi xứ phải chuẩn bị 20 vạn thạch lương (một thạch khoảng 60 kg) cung ứng cho quân. Vân Nam cũng được lệnh huy động 10.000 quân tiếp viện. Có khoảng một phần mười binh lính Minh được trang bị hỏa khí. Nhà Minh phao tin quân viễn chinh được điều động lên đến 80 vạn quân, nhưng theo Whitmore, có lẽ quân Minh thực tế khoảng 215.000 quân. Quân Minh khi sang đến Đại Ngu cũng đóng thuyền chiến để chuẩn bị đánh đường thủy. Với danh nghĩa "phù Trần diệt Hồ", Quân Minh cũng được hỗ trợ bởi một số lực lượng người Việt giúp đỡ, như Đèo Cát Hãn, thổ ty châu Ninh Viễn (nay là Lai Châu) xin dẫn 4.000 bộ thuộc theo đánh giúp. Nhà Minh còn mang vàng bạc, lụa gấm vào Champa dụ Champa giúp sức, và hạ lệnh đưa 600 quân tinh nhuệ từ Quảng Đông vượt biển vào Champa để chặn đường vua tôi nhà Hồ bỏ chạy.
Nhà Minh phao tin đạo quân viễn chinh đông tới 80 vạn người, nhưng có lẽ đây chỉ là con số phóng đại để khuếch trương thanh thế, vì theo số liệu năm 1392, tổng binh lực nhà Minh gồm 16.489 chỉ huy, 1.198.434 binh sỹ và 45.080 ngựa, khó có thể huy động đến 2/3 lực lượng chỉ để dồn vào chiến trường An Nam, trong khi vẫn phải lo đến vấn đề nội loạn và phòng giữ phía bắc.

Nhà Hồ

Trước nguy cơ bị quân Minh sang đánh, nhà Hồ tăng cường phòng thủ chuẩn bị đối phó.
  • Lực lượng:
Hồ Hán Thương điều động thêm quân trong nước. Tháng 9 năm 1404, ông định ra Nam ban và Bắc ban, chia làm 12 vệ; quân Điện hậu đông và quân Điện hậu tây chia làm 8 vệ; mỗi vệ 18 đội, mỗi đội 18 người. Đại quân thì 30 đội, trung quân 20 đội, mỗi dinh 15 đội, mỗi đoàn 10 đội; Cấm vệ đô có 5 đội. Tất cả chịu sự chỉ huy của Đại tướng quân.
  • Vũ khí:
Nhà Hồ bí mật cho đóng chiến thuyền. Năm 1404, Hồ Hán Thương cho làm thuyền đinh sắt để phòng quân Minh, lấy tiếng là tàu tải lương. Tháng 6 năm 1404, Hồ Hán Thương đặt 4 kho quân khí, lấy người giỏi bất kể là quan hay dân vào làm việc.
  • Phòng thủ nơi hiểm yếu:

Thành Tây Đô nhà Hồ
Nhà Hồ chú trọng phòng thủ dọc sông Cái, sông Thao, sông Đà, cho dựng rào gỗ dọc sông. Tại các cửa biển cũng cho đóng cọc gỗ để phòng bị tấn công. Nhà Hồ tập trung đắp thành Đa Bang vì dự tính đây là điểm xung yếu nhất khi có chiến sự. Hệ thống rào gỗ và thành liền nhau hơn 900 dặm. Tháng 9 năm 1405, Hồ Hán Thương còn sai đóng cọc giữ cửa sông Bạch Hạc để ngăn quân địch tiến đến theo đường Tuyên Quang. Đích thân thượng hoàng Hồ Quý Ly cùng Hồ Hán Thương đi xem xét núi sông và cửa biển để phòng nơi hiểm yếu.
Đồng thời nhà Hồ còn lệnh cho dân các lộ phía bắc thực thi kế “vườn không nhà trống”, nhổ bỏ hết lúa khi quân Minh kéo sang để làm tuyệt lương địch.
  • Ngoại giao:
Dù tăng cường phòng thủ, nhà Hồ vẫn sai sứ sang xin giảng hoà để tránh việc binh đao. Tháng 7 năm 1405, nhà Hồ sai Phạm Canh và Lưu Quang Đình đi sứ. Nhà Minh giữ Phạm Canh lại, cho Quang Đình về nước.
Nỗ lực ngoại giao của nhà Hồ thất bại và chiến tranh đến rất gần.

Diễn biến cuộc chiến

Kết cục của Trần Thiêm Bình

Tháng 4 năm 1406, lấy cớ đưa Trần Thiêm Bình về nước, nhà Minh sai Hàn Quan và Hoàng Trung mang 5.000 quân hộ tống để lập Trần Thiêm Bình làm vua.
Ngày 8 tháng 4, Hoàng Trung đánh vào cửa Lãnh Kinh. Hai cánh quân thuỷ bộ nhà Hồ đụng độ với quân Minh. Quân Đại Ngu khinh địch nên bị bại trận, các tướng Phạm Nguyên Khôi, Chu Bỉnh Trung, Trần Nguyên Huyên, Trần Thái Bộc tử trận. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng xuống thuyền đi thoát.
Nhưng đúng lúc đó, tướng Hồ Vấn mang quân từ Vũ Cao (Bắc Giang) đánh úp quân Minh. Hoàng Trung không chống nổi, đến đêm bèn rút quân về. Song các tướng Đại Ngu là Hồ Xạ và Trần Đĩnh mang quân đóng chặn ở ải Chi Lăng. Quân Minh bị mất đường về, buộc phải chấp nhận giao nộp Trần Thiêm Bình và sai Cao Cảnh đưa hàng thư, đề nghị mở đường cho về nước:
"Quan tổng binh Hoàng sai tiểu nhân tới đây trình bày ngài biết việc này: Trước vì Thiêm Bình chạy sang triều đình tâu rằng hắn chính là con của quốc vương An Nam, vì thế mới sai đại binh sang chiêu dụ. Không ngờ trăm họ xứ này đều không phục, rõ ràng là hắn nói bậy. Nay lui quan quân về tâu với triều đình thì bị quan ải dọc đường ngăn giữ, nghẽn lối không qua được. Nay đem Thiêm Bình tới nộp, xin thả cho đi thì may lắm".
Hồ Xạ nhận hàng thư bằng lòng nhận Thiêm Bình và mở vòng vây cho quân Minh rút lui. Quân Đại Ngu bắt được nhiều tù binh, đưa vào Nghệ An cho làm ruộng. Trần Thiêm Bình bị mang về xử lăng trì.

Đại quân Minh tiến sang

Dù thắng trận, nhà Hồ không chủ quan mà dự đoán quân Minh còn kéo sang đánh nữa. Hồ Hán Thương tiếp tục sai củng cố phòng tuyến Đa Bang dọc các bờ sông. Mặt khác, nhà Hồ cho đoàn sứ gồm Trần Cung Túc, Mai Tú Phu sang nhà Minh xin giảng hoà, biện minh việc Thiêm Bình giả mạo. Nhưng đoàn sứ Đại Ngu bị nhà Minh bắt giam toàn bộ.
Tháng 9 năm ấy, nhà Minh sai Trương Phụ, Trần Húc, đem 40 vạn quân đánh vào cửa ải Pha Lũy (cửa khẩu Hữu Nghị ngày nay), Mộc Thạnh, Lý Bân cũng đem 40 vạn quân đánh vào cửa ải Phú Lệnh (gần thị xã Hà Giang ngày nay), hai đạo quân tổng cộng là 80 vạn.
Tháng 10, quân Minh hội ở sông Bạch Hạc, bày doanh trại bờ bắc sông Cái, đến tận Chú Giang.
Nhà Hồ bố trí quân ở sông Hồng theo sự chỉ huy của Hồ Nguyên Trừng, quân ở sông Chú theo sự chỉ huy của Hồ Đỗ. Trên bờ, quân bộ và voi đóng đối diện doanh trại quân Minh.
Trương Phụ và Mộc Thạnh dùng danh nghĩa “Phù Trần diệt Hồ”, viết bảng văn kể tội nhà Hồ và tìm con cháu nhà Trần để phục vị, cho thả theo dòng sông. Nội dung bảng văn kể 22 tội của Hồ Quý Ly, gồm có 8 nội dung lớn:
  1. Cướp ngôi, giết vua và tông thất nhà Trần (2 tội)
  2. Coi nước và nhân dân như thù địch (3 tội)
  3. Tự tiện đổi họ Lê sang họ Hồ (1 tội)
  4. Lừa gạt triều đình nhà Minh (trong vụ Trần Thiêm Bình) (3 tội)
  5. Đánh chiếm và khống chế vùng Tư Minh, Ninh Viễn (5 tội)
  6. Đánh Chiêm Thành là nước đã thần phục nhà Minh (6 tội)
  7. Không theo lịch Trung Quốc, tự đổi tên nước (1 tội)
  8. Khinh nhờn, không kính trọng nhà Minh (1 tội)
Quân nhà Hồ trông thấy bảng văn, lại thấy chính sự nhà Hồ chưa được lòng dân nên không có lòng chống quân Minh. Các tướng Mạc Thúy, Nguyễn Huân đem 10.000 quân ra hàng quân Minh và được phong chức.
Ngày 2 tháng 12, người Minh chiếm được Việt Trì, bờ sông Mộc Hoàn và chỗ đóng cọc ở sông Bạch Hạc. Tướng chỉ huy quân Tả Thánh Dực là Hồ Xạ không giữ nổi, phải dời hàng trận sang phía nam sông Cái. Đêm mồng 7 tháng 12, quân Minh tiến ra bãi sông Thiên Mạc bị tướng nhà Hồ là Trần Đĩnh đánh bại.

Trận Mộc Hoàn

Sau thất bại ở Thiên Mạc, quân Minh chấn chỉnh lại đội ngũ, đánh được hai mặt sông Thao và sông Tuyên, đóng quân ở bờ bắc sông Thao, đối diện với thành Đa Bang.
Đêm mồng 9 tháng 12, quân Minh đánh úp quân Hồ ở bãi Mộc Hoàn. Tướng Đại Ngu là Nguyễn Công Khôi mải nữ sắc không phòng bị, thuyền bị đốt gần hết. Các cánh thuỷ quân bên trên và bên dưới của nhà Hồ đều không đến cứu ứng. Quân Minh vượt sông làm cầu phao.

Trận Đa Bang

Trương Phụ và Mộc Thạnh thấy các bãi sông đều có rào cọc chắn không tiến được, lại biết nhà Hồ chỉ trông vào thành Đa Bang để phòng thủ, nên tập trung tấn công thành này làm bước quyết định cục diện mặt trận.
Ngày 12 tháng 12, quân Minh nhân đêm tối đánh úp thành: Trương Phụ và Hoàng Trung đánh góc tây bắc, Mộc Thạnh và Trần Tuấn đánh mặt đông nam. Cánh Mộc Thạnh dùng thang mây đánh lên mặt thành, quân bị giết xác chất cao nhưng vẫn không ngừng tấn công. Tướng nhà Hồ là Nguyễn Tông Đỗ đục thành lùa voi ra đánh.
Biết voi sợ sư tử, quân Minh vẽ hình sư tử trùm lên đầu ngựa và bắn tên lửa khiến voi sợ phải thụt vào trong. Quân Minh đuổi theo hút vào trong thành, quân nhà Hồ thua to, các tướng nhà Hồ là Liang Min-xian and Cai Bo-le tử trận. Quân Minh đánh chiếm được thành Đa Bang cùng 12 voi chiến và vô số binh khí.

Quân Đại Ngu rút lui

Sau khi thành mất, các cánh quân nhà Hồ dọc sông đều tan vỡ, lui về giữ Hoàng Giang. Trương Phụ tiến đến sông Phú Lương, quân nhà Hồ chặn giữ. Trương Phụ chưa biết tính ra sao thì hàng tướng người Việt là Mạc Thuý và Đặng Nguyên vẽ bản đồ địa hình xin làm hướng đạo.
Ngày 13 tháng 12, được sự chỉ đường của Mạc Thuý, quân Minh dọc sông Phú Lương tiến xuống, đốt phá rào gỗ. Ngày 14, quân Minh đánh vào Đông Đô (Hà Nội), cướp được của cải và lương thực, đặt quan cai trị. Biết cơ sở chính của nhà Hồ ở Tây Đô, quân Minh theo đường sông Phú Lương tiến đánh.
Ngày 20 tháng 2 âm lịch năm 1407, Hồ Nguyên Trừng tiến quân đến sông Lỗ. Hai bên đụng độ nhau ở 2 bờ sông. Theo Minh sử, quân Hồ có 500 chiến thuyền, còn quân Minh đánh theo cả hai đường thủy bộ. Kết quả Quân Đại Ngu bị thua, mất 100 thuyền chiến và 10.000 binh lính, phải lui về Muộn Hải. Quân Minh bắt được hơn trăm người, trong đó có các tướng nhà Hồ và đem ra chém hết. Thượng hoàng Hồ Quý Ly cùng Hồ Hán Thương lui về Tây Đô.
Trong khi đó Hồ Xạ và Hồ Đỗ không giữ đựơc Bình Than, chạy qua cửa Thái Bình đến Muộn Hải hợp binh với Hồ Nguyên Trừng. Các tướng cùng đắp luỹ, đúc súng, huy động nhân lực ra mặt trận. Tuy nhiên, quân Minh đuổi đánh đến nơi, quân Đại Ngu phải lui về cửa biển Đại An.
Quân Minh sau một thời gian giao chiến phát sinh bệnh tật, cửa Muộn Hải ẩm thấp nên Trương Phụ phải mang quân ra đóng ở Hàm Tử.

Trận Hàm Tử

Hồ Nguyên Trừng cùng Hồ Đỗ, Đỗ Mãn dời đến Hoàng Giang, sai người đón thượng hoàng Hồ Quý Ly cùng vua Hồ Hán Thương ra; sau đó cùng Hồ Xạ, Trần Đĩnh hợp quân thuỷ và quân bộ tiến lên cửa Hàm Tử đánh quân Minh. Quân Đại Ngu có tổng cộng 7 vạn, nói thăng lên 21 vạn.
Ngày 30 tháng 3 năm 1407, quân Đại Ngu tập kết ở Hàm Tử. Hồ Xạ và Trần Đĩnh lĩnh quân bộ ở bờ sông phía nam; Đỗ Nhân Giám và Trần Khắc Trang lĩnh quân bộ ở bờ bắc sông; Nguyễn Công Chửng lãnh 100 chiến thuyền làm tiên phong.
Quân Minh chia 2 mặt thuỷ bộ. đặt phục binh đón đánh. Hồ Xạ đoán quân Minh có mai phục, không chịu tiến quân. Hồ Đỗ sai người đến trách Hồ Xạ vì sao không đánh giặc.
Hồ Xạ bất đắc dĩ phải tiến đánh, quân Đại Ngu bị thua. An phủ sứ Bắc Giang là Nguyễn Hy Chu bị Trương Phụ bắt sống, Hy Chu chửi Phụ là giặc tàn bạo, bị Phụ giết.
Quân Đại Ngu thua to; tướng Hồ Xạ tử trận, quân bộ hai bên bờ sông bị dồn xuống sông chết, quân thuỷ chạy thoát nhưng các chiến thuyền chở lương đều bị chìm, chết đuối gần hết. Minh sử ghi rằng hàng chục ngàn quân nhà Hồ bị chém đầu, nước sông đỏ máu.
Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương cùng các tướng bỏ chạy về Tây Đô.

Đại Ngu thất bại

Cha con Hồ Quý Ly thua chạy vào nam, bị quân Minh đuổi gấp, định dùng hậu phương mới chiếm được từ Chiêm Thành để kháng cự, bèn viết thư cho Hoàng Hối Khanh đang trấn thủ Thăng Hoa, sai lấy một phần ba số dân Việt di cư khi trước mới đến khẩn hoang ở Thăng Hoa, gộp với quân lính địa phương làm quân "cần vương" giao cho Nguyễn Lỗ, lại phong cho hoàng tử nước Chiêm cũ là Chế Ma Nô Đà Nan làm Thăng Hoa quận vương để vỗ về dân Chiêm tại đây.
Tuy nhiên, vua Chiêm Thành là Ba Đích Lại nhân lúc Đại Ngu bị quân Minh đánh bại cũng cất quân bắc tiến, lần lượt chiếm lại vùng đất vốn bị nhà Hồ chiếm năm 1402. Quân Chiêm đánh chiếm châu Tư, Nghĩa và tiến lên đánh Thăng, Hoa. Dân bản địa phủ Thăng Hoa tan rã bỏ chạy, Chế Ma Nô Đà Nan tử trận, Hoàng Hối Khanh không chống nổi quân Chiêm phải rút về Hoá châu.
Ngày 23 tháng 4, quân Minh đánh vào Lỗi Giang, quân nhà Hồ không đánh mà tan. Ngày 29, quân Minh đánh vào cửa biển Điển Canh, thủy quân nhà Hồ tự tan vỡ. Hai cha con họ Hồ định lánh đến Thâm Giang nhưng không thành. Tướng Nguỵ Thức xin hai cha con họ Hồ tự thiêu:
"Nước đã sắp mất, bậc vương giả không chết bởi tay kẻ khác".
Nhưng Quý Ly không nghe, nổi giận, chém chết Ngụy Thức, rồi bỏ chạy vào Tân Bình. Đến Kỳ La thuộc Tân Bình, có bô lão nói rằng đất này không lành, không nên ở, Hồ Quý Ly bèn chém chết ông lão.
Ngày 5 tháng 5, quân Minh đánh vào cửa biển Kỳ La (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay). Hàng tướng người Việt là Nguyễn Đại bắt được Hữu tướng quốc Hồ Quý Tỳ (em thượng hoàng Quý Ly).
Ngày 11, quân Minh đánh vào Vĩnh Ninh. Vương Sài Hồ bắt được Hồ Quý Ly ở ghềnh Chẩy Chẩy; Lý Bân bắt được Hồ Nguyên Trừng ở cửa biển Kỳ La.
Ngày 12, bộ tướng của Mạc Thuý là Nguyễn Như Khanh bắt được Hồ Hán Thương và thái tử Hồ Nhuế ở núi Cao Vọng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Nhà Hồ hoàn toàn thất bại.

Kết quả

Trong các tướng nhà Hồ, Hồ Xạ và Đỗ Nhân Giám tử trận, Lê Cảnh Kỳ tuyệt thực mà chết, Kiều Biểu và Ngô Miễn nhảy xuống sông tự vẫn. Số còn lại các đại thần Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Cần, Đỗ Mãn, Trần Nhật Chiêu, Hồ Đỗ, Phạm Lục Tài, Nguyễn Ngạn Quang, Đoàn Bổng đều hàng nhà Minh.
Trương Phụ, Mộc Thạnh sai Liễu Thăng, Lỗ Lân; Trương Thăng, Du Nhượng, Lương Định, Thân Chí bắt giải Hồ Quý Ly và các con cháu cùng các tướng cùng ấn tín đến Kim Lăng.
Tháng 8 năm 1407, Trương Phụ và Mộc Thạnh đem quân về, lưu lại Lữ Nghị, Hoàng Phúc trấn giữ.
Riêng Hồ Nguyên Trừng có tài được thu dụng, còn cha con Hồ Quý LyHồ Hán Thương bị đày ra Quảng Tây. Trong số những quan lại nhà Hồ bị bắt, vua Minh giả cho một số người làm thị lang, tham chính các nơi xa, nhưng trên đường đi sai người trừ khử.
Minh Thành Tổ đưa quân nam tiến cách gần 30 năm kể từ khi Minh Thái Tổ nảy sinh ý định đánh Đại Việt. Nhà Hồ hoàn toàn thất bại trong cuộc chiến chống xâm lược của nhà Minh bởi hai nguyên nhân chính là mất lòng dân và thiếu năng lực quân sự. Nhà Hồ và nước Đại Ngu mất chỉ sau 7 năm tồn tại. Đại Ngu trở thành quận Giao Chỉ của Trung Quốc trong vòng 20 năm.
Trang này được sửa đổi lần cuối lúc 04:37, ngày 10 tháng 5 năm 2014.


Tích cực, chủ động trong phòng ngự
QĐND - Thứ bảy, 04/07/2009 | 18:43 GMT+7
Phòng ngự là hình thức chiến thuật cơ bản, rất quan trọng của chiến đấu, có thể tổ chức từ cấp chiến thuật đến cao hơn. Quy luật hình thành thường ở giai đoạn đầu các cuộc chiến, tất yếu sẽ xảy ra khi đối phương ở thế mạnh phát động tiến công đánh chiếm những mục tiêu trọng yếu mà ta phải kiên quyết bảo vệ chốt giữ. Bản chất của phòng ngự chính là phát huy sức mạnh tổng hợp của cả thế trận chiến tranh nhân dân, các loại vũ khí trang bị phá vỡ thế tấn công của địch, giữ vững thế và lực, sẵn sàng chuyển sang phản công hoặc tiến công đánh bại hoàn toàn quân địch.
Trong chiến tranh hiện đại, tiến công trên bộ là thủ đoạn kế tiếp các đòn đánh phủ đầu rằng vũ khí công nghệ cao, hủy diệt lớn, làm tê liệt các vị trí then chốt. Phương thức tiến hành có thể đổ bộ đường không, đổ bộ đường biển, hoặc tiến công qua biên giới, kết hợp với bạo loạn vũ trang, lật đổ trong nội địa. Tính chất của nó càng nguy hiểm khi cuộc chiến có ứng dụng công nghệ chiến tranh hiện đại, cường độ khốc liệt của các loại vũ khí được sử dụng. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra phải quán triệt sâu sắc tư tưởng phòng ngự chủ động, tích cực. Trên nền tảng của thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng thế trận phòng ngự làm trung tâm, lực lượng phòng ngự làm then chốt, trận địa phòng ngự vững chắc, liên hoàn có chiều sâu làm cơ bản, quan trọng. Nội dung quan trọng nhất là xác định chính xác các khu vực phòng ngự then chốt, hướng phòng ngự chủ yếu, vai trò của từng lực lượng… Trong đó bộ đội chủ lực với ưu thế về sức chiến đấu, khả năng cơ động cao giáng những đòn quyết định, đánh quỵ lực lượng tiến công chủ yếu của địch. Bộ đội địa phương, dân quân tự vệ tổ chức phòng ngự tại chỗ, kìm giữ, căng kéo, tiêu hao phá thế tiến công, buộc địch phải liên tục đối phó lúng túng tạo thế đánh thuận lợi cho quân chủ lực.
Bố trí thế trận phòng ngự và sử dụng lực lượng phải đảm bảo phòng giữ chặt chẽ, kiên cường, linh hoạt chuyển thế và phá thế tiến công nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phòng ngự trận địa với liên tục phản kích và phản đột kích đánh quỵ lực lượng chủ yếu của địch ngay tại vị trí xuất phát xung phong. Cách đánh được vận dụng khéo léo, nhuần nhuyễn, chốt giữ quyết liệt, kết hợp phòng, tránh hỏa lực hủy diệt của kẻ địch, bảo toàn lực lượng; lấy tiến công giáng trả tiến công để phòng ngự vững chắc hơn; đánh liên tục, rộng khắp trên toàn địa bàn chiến dịch; liên tục nghi binh, tương kế tựu kế, kết hợp đánh phía trước với luồn sâu đánh hiểm phía sau…
Trong kháng chiến chống Mỹ, chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, từ ngày 1-5 đến 15-11-1972 là một chiến dịch phòng ngự hoàn chỉnh, thắng lợi về nhiều mặt, bẻ gãy hoàn toàn tham vọng đánh chiếm vùng giải phóng của kẻ địch.
Xác định vai trò quan trọng của vùng giải phóng Trung - Hạ Lào đối với cách mạng Đông Dương, quyết tâm phòng ngự được ta xác định sớm. Bộ đội chủ động xây dựng và thiết kế điểm tựa phòng ngự then chốt ở Phu Tâng, Phu Tôn, tập trung vào hướng chủ yếu ở Tây - Tây Nam Cánh Đồng Chum. Lực lượng chia làm 2 cụm, cụm phòng giữ trận địa và cụm dự bị cơ động. Đến ngày 20-5-1971, thế trận phòng ngự đã được tạo dựng sẵn sàng đón đánh địch.
Mở màn chiến dịch là các trận chiến đấu quyết liệt đánh bật các mũi tiến công của địch vào khu trung gian từ ngày 21-5 đến ngày 10-8 hòng làm bàn đạp tấn công. Thất bại này làm đảo lộn hoàn toàn kế hoạch tiến công của địch, buộc chúng phải thay đổi thủ đoạn, sử dụng tới 40 tiểu đoàn đổ bộ đường không ở hướng Tây Bắc, chia làm ba cánh thọc sâu vào Cánh Đồng Chum. Vấp phải trận địa chốt giữ kiên cường, liên tục bị phản kích vỗ mặt, bên sườn, sau lưng, địch chững lại, lúng túng đối phó. Chớp thời cơ ấy, ta tập trung lực lượng tổ chức phản đột kích đánh quỵ tại chỗ cánh quân chủ yếu của địch ở Khang Mường, bẻ gãy hoàn toàn quân địch ở phía Tây, chiếm toàn bộ các điểm cao Phu Thông, Bản Thang… Số địch còn lại tan rã rút chạy về Nậm Pẹt. Trong thế bị thúc ép mạnh, địch gom quân tổ chức đánh chiếm phần phía Nam của Cánh Đồng Chum. Phát huy thắng lợi, bộ đội ta nhanh chóng cơ động  lực lượng về phía Nam tiếp tục phản đột kích. Bộ binh cùng xe tăng, pháo binh ta bất ngờ tiến công vào đội hình địch ngay ở tuyến tập kết xuất phát xung phong đánh tan rã hoàn toàn cánh quân này.
Như vậy là sau 5 tháng tổ chức phòng ngự chủ động, tích cực, hiệu quả, ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công quy mô lớn của Mỹ – ngụy, giữ vững vùng giải phóng. Củng cố vững chắc Liên minh chiến đấu Việt - Lào. Bài học kinh nghiệm sâu sắc được rút ra chính là luôn phải lấy tư tưởng tích cực, chủ động phòng ngự làm trọng. Kết hợp chặt chẽ nhuần nhuyễn 4 yếu tố, địa hình, trận địa, lực lượng và cách đánh; liên tục giữ và giành thế chủ động. Kiên quyết phòng giữ chặt chẽ, bố trí lực lượng hóc hiểm, bí mật, cơ động linh hoạt, tạo thời cơ, chớp thời cơ đánh những trận then chốt, quyết định cục diện chiến trường. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, những kinh nghiệm ấy vẫn còn nguyên giá trị.
TRẦN VĂN TOẢNqdndsite/vi-VN



Tấn công và Phòng thủ

Tấn công là một chủ đề vô cùng quan trọng và rộng lớn trong nghệ thuật cờ. Không phải trong trung cuộc mới có vấn đề tấn công mà ngay trong khai cuộc và tàn cuộc, tấn công cũng được nêu lên như một chủ đề quan trọng hàng đầu để nghiên cứu phân tích. Như vậy tấn công diễn ra xuyên suốt trong một ván cờ, được phân ra ở từng giai đoạn để dễ nghiên cứu mà thôi. Trong khai cuộc, tấn công được đặt ra như là một ý đồ chiến lươc hay kế hoạch chiến lược nhằm bố trí quân để uy hiếp đối phương. Trong trung cuộc, tấn công được đặt ra như sự nối tiếp, cụ thể hóa ý đồ chiến lược của giai đoạn khai cuộc. Nếu ý đồ tấn công trong khai cuộc chỉ mới là phương hướng lớn thì trong trung cuộc phải biến thành những biện pháp cụ thể, phải sử dụng nhiều thủ pháp của các đòn chiến thuật để đạt cho được các mục tiêu đề ra. Còn tàn cuộc, trên cơ sở ưu thế của giai đoạn trung cuộc, tấn công được đề ra như là sự nối tiếp kế hoạch của giai đoạn trước với các thủ pháp, kinh nghiệm và kỹ thuật để giành cho được thắng lợi cuối cùng.


Tổng tấn công !!!
 


Nếu tấn công là một chủ đề quan trọng và rộng lớn thì phòng thủ cũng là một chủ đề quan trọng và rộng lớn không kém. Bởi vì như chúng ta đã biết trong chơi cờ không phải chỉ có trường phái "dĩ cương thắng nhu" mà còn trường phái "dĩ nhu khắc cương". Chính với quan điểm lấy phòng thủ thay cho tấn công , chủ trương "dĩ dật đãi lao" tức là "lấy khỏe thắng mệt" mà xuất hiện nhiều thế trận ra quân chủ yếu là để phòng thủ, ví dụ như phòng thủ Philidor, phòng thủ Benoni, phòng thủ Đông Ấn, Tây Ấn, v.v... Tuy các khai cuộc nêu trên ban đầu xuất phát từ chủ trương phòng thủ là chính nhưng với sự phát triển của làng cờ hiện đại, người ta đã sáng tạo nhiều phương án, nước biến mới nên hầu hết đã chuyển sang tư tưởng phòng thủ là tạm thời, phản công, đối công là đường lối chiến lược. Mà nếu đường lối chiến lược đã thay đổi thì trong phòng thủ phải chuyển từ những kiểu phòng thủ tiêu cực, thụ động thành những kiểu phòng thủ tích cực.
Thế nào là phòng thủ tích cực ? Đó là kiểu phòng thủ luôn luôn tìm mọi cơ hội để trả đòn, lợi dụng đối phương sơ hở hay chơi không chính xác phản kích trở lại. Lúc bố trí quân, nhất là các quân mạnh cần bố trí thế nào để nhanh chóng điều động chúng đến những điểm yếu, bị đối phương uy hiếp để tăng cường phòng thủ. Nếu đối phương gây áp lực quá mạnh thì tìm cách đổi bớt quân để giảm áp lực uy hiếp, hoặc thấy không tránh khỏi mất quân thì mặc cho họ bắt quân, ăn quân, ta tìm chỗ yếu của họ để phản công truy bắt và ăn quân lại. Cũng có thể ta đang phòng ngự, đối phương tấn công nhưng họ bộc lộ sơ hở, ta có thể trả đòn, chấp nhận mỗi bên công một cánh. Trong nhiều trường hợp ta cũng chủ động tạo ra tình huống hi sinh quân lấy thế phản kích.


Đoàn kết là sức mạnh !
 


Tấn công và phòng thủ là hai khía cạnh hoàn toàn đối lập nhau trong cờ. Nhưng chúng không mâu thuẫn mà luôn song hành, hỗ trợ nhau trong suốt những diễn biến của ván cờ. Người ta chia tấn công và phòng thủ ra hai phần riêng biệt để tiện cho việc nghiên cứu, học tập. Tùy thuộc vào phong cách chơi của từng người mà các bạn tự cho rằng mình là "tay cờ tấn công" hay "chuyên gia phòng thủ". Đó là lối suy nghĩ lệch lạc. Một kỳ thủ hiện đại không chỉ phải biết tấn công mạnh mẽ với những đòn phối hợp sắc bén "hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn" mà còn phải biết khéo léo, kiên nhẫn phòng thủ lâu dài trong những thế cờ khó khăn rồi vùng dậy phản công, ngoạn mục giành lấy chiến thắng từ tay đối thủ.


Nhàn rỗi đem cờ học đánh chơi
Thiên binh vạn mã đuổi nhau hoài
Tấn công, thoái thủ nên thần tốc
Chân lẹ tài cao ắt thắng người.
Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ
Kiên quyết, không ngừng thế tấn công
Lạc nước hai xe đành bỏ phí
Gặp thời một tốt cũng thành công.
Vốn trước hai bên ngang thế lực
Mà sau thắng lợi một bên giành
Tấn công, phòng thủ không sơ hở
Đại tướng anh hùng mới xứng danh.



Học đánh cờ (Tuyển tập Nhật ký trong tù - Hồ Chí Minh)
http://dalatchess.com.vn

Những chiến thắng "lấy ít địch nhiều" lẫy lừng trên TG

Dù với số lượng quân sĩ và vũ khí ít hơn hẳn so với đối phương, nhưng một số đội quấn vẫn giành được chiến thắng vang dội lịch sử.

1. Trận chiến Longewala năm 1971
Longewala là một trong những trận chiến đầu tiên của phương Tây nằm trong cuộc chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1971. Cuộc chiến xảy ra khi một số lượng lớn quân đội Pakistan và xe tăng nước này tiến vào lãnh thổ Ấn Độ. Khi đó, tướng K.S Chandpuri của quân đội Ấn Độ chỉ huy 100 binh sĩ và được trang bị một loại vũ khí chống tăng. Lực lượng của tướng Chandpuri đã chiếm đóng một cồn cát kiên cố tại Longewala, một làng nhỏ trong sa mạc Thar. Đến sáng sớm 5/12/1971, căn cứ của vị tướng này bị kẻ địch bắn phá và 5 con lạc đà bị giết chết. Đến 4h sáng cùng ngày hôm đó, khoảng 55 xe tăng T -59 Trung Quốc và xe tăng Sherman của Mỹ kiểm soát khu vực phía Nam mà trước đó lực lượng Pakistan kiểm soát. Vào thời điểm đó, một tiểu đoàn bộ binh Pakistan được trang bị khoảng 24 - 3.000 súng pháo binh.
Trong suốt cuộc chiến diễn ra trong đêm, tướng K.S Chandpuri của quân đội Ấn Độ đã tác chiến cùng binh sĩ phá hủy được 12 xe tăng địch, đẩy lùi các cuộc tấn công của kẻ thù. Do máy bay lỗi thời của Ấn Độ không có hiệu quả tác chiến trong đêm nên họ chỉ có thể sử dụng máy bay yểm trợ khi trời sáng. Khi hai máy bay của quân đội Ấn Độ đến vào lúc bình minh, sa mạc Thar đã trở thành một chiến trường chết chóc bởi lẽ nơi đây không có chỗ cho xe tăng và quân địch ẩn náu. Đến 11h ngày 6/12/1971, tướng Chandpuri cùng binh sĩ của mình đã giành chiến thắng trong trận chiến đó và chỉ để 8 xe tăng địch thoát khỏi cửa tử.
2. Trận chiến Okehazama năm 1560
Trong những năm 1500, Nhật Bản chìm trong một cuộc nội chiến lớn, với các lãnh chúa địa phương tìm cách kiểm soát toàn bộ đất nước. Oda là một gia đình tương đối yếu do Oda Nobunaga 26 tuổi dẫn dắt. Năm 1560, Imagawa Yoshimoto xuất thân từ gia đình hùng mạnh Imagawa nỗ lực có được Kyoto thông qua Owari, để nhằm kiểm soát gia đình Oda. Khi đó, gia đình Oda Nobunaga chỉ có 2.000 quân nghênh chiến với số lượng quân địch áp đảo (từ 20.000 đến 40.000 người). Một số tướng lĩnh của Nobunaga đã khuyên chủ nhân nên đầu hàng. Tuy nhiên, ông đã không làm điều hèn nhát đó.
Vào tháng 11/1560, Nobunaga xây dựng pháo đài tại Zenshoji và ra lệnh cho binh sĩ xây dựng một số binh sĩ hình nộm để đánh bại quân địch. Yoshimoto đã dựng trại và cho phép binh sĩ mình ăn uống thoải mái. Ông cho rằng sẽ dễ dàng đánh chiếm được pháo đài của Nobunaga vì sở hữu lực lượng hùng hậu, áp đảo.
Đến ngày 22/6, Nobunaga và đội quân của ông đã di chuyển khỏi pháo đài và di chuyển lên những ngọn đồi có thể phóng tầm mắt quan sát động thái của quân địch. Khi màn đêm buông xuống và quân của Yoshimoto say trong men rượu, lực lượng Nobunaga đã tấn công quân địch và giết chết được Yoshimoto khi mà vị tướng này vẫn chưa biết chuyện gì đang xảy ra. Mặc dù lực lượng của Nobunaga có quân số ít hơn nhưng đã giành chiến thắng trước đội quân hùng hậu chỉ trong vòng hai giờ.
3. Trận chiến Vienna
Tháng 8/1526, Sultan Suleiman I của Đế quốc Ottoman đã thành công trong việc chiếm quyền kiểm soát miền Nam Hungary. Đến tháng 10/5/1529, đế quốc Ottoman tiếp tục kế hoạc tiến đánh Hungary để nắm toàn bộ quyền kiểm soát.
Khi đó,Wilhelm von Roggendorf nắm quyền chỉ huy quân đồn trú nhỏ ở Vienna. Ông đồng chỉ huy với viên tướng lão làng người Đức Niklas Graf Salm 70 tuổi. Vienna đã tập hợp được khoảng 20.000 nam giới và 75 súng pháo binh để sẵn sàng bảo vệ thành phố. Quân đội Ottoman tiến đến Vienna với quân số đông đảo, bao gồm 100.000 binh sĩ và 500 khẩu pháo. Cuộc bao vây của quân đội Ottoman diễn ra với sự oanh tạc của hơn 300 khẩu súng nhằm làm suy yếu hệ thống phòng thủ Vienna. Đồng thời, họ cũng đào các đường hầm để tấn công lực lượng đối phương.
Khi biết điều đó, tướng Niklas đã ra lệnh cho đặt bát nước chứa đầy đậu Hà Lan khô rồi đặt xung quanh các bức tường. Đậu Hà Lan khô nổi trên mặt nước và sẽ tạo ra những gợn sóng nhỏ trong bát nước khi có người đào bới tại khu vực gần  đó để báo hiệu cho quân Vienna biết kẻ địch đang tới gần. Sau đó, quân Vienna ngăn chặn nỗ lực đào đường hầm và phá hủy những công trình dưới đất của quân đội Ottoman.
Vào ngày 6/10/1529, 8.000 quân Vienna đã rời thành phố và thực hiện một cuộc đột kích khá mạo hiểm nhằm kết thúc các chiến dịch bảo vệ thành phố. Họ đã thành công trong việc phá hủy hầu hết các mỏ, đường hầm của quân đội Ottoman, khiến kẻ địch bị tổn thất nặng nề. Ngày 14/10, binh sĩ Ottoman đã phải lui quân do mất hầu hết các mỏ, số lượng binh sĩ tử trận quá lớn.
4. Trận chiến Galveston năm 1863
Ngày 1/1/1863, John B. Magruder đem quân tấn công thành phố Galveston, Texas. Họ đã huy động 260 binh sĩ cùng 6 tàu chiến của Liên bang với nhiều súng máy để chiếm đóng cầu cảng thành phố bị quân miền Nam chiếm đóng. Trong khi đó, lực lượng miền Nam có 21 khẩu pháo, 500 quân lính.
Vào thời điểm bình minh, pháo binh miền Nam bắn phá các tàu thuyền của lực lượng liên bang nhưng gây ra ảnh hưởng không đáng kể. Sau nhiều cuộc chiến, hai bên đã đạt thỏa thuận ngừng bắn để xem xét tình hình. Nhưng sau đó, chỉ huy lực lượng liên bang do Commodore Renshaw chỉ đạo thực hiện kế hoạch đầy táo bạo khi chất thuốc nổ lên một con tàu USS Westfield để tấn công quân địch. Khi rời khỏi con tàu này, số vũ khí đã không phát nổ nên quân đội liên bang quay trở lại xem điều gì đã xảy ra. Nhưng không may là khi họ đặt chân lên tàu thì khối thuốc nổ mới hoạt động, khiến tướng Renshaw và 13 thủy thủ đoàn đều thiệt mạng. Các tàu còn lại của phe Liên bang đã rút lui khi nhìn thấy chỉ huy và tàu của họ bị nổ tung. Do vậy lực lượng liên bang đã phải đầu hàng. Trong cuộc chiến này, quân miền nam có 26 binh sĩ tử trận và 117 người khác bị thương. Trong khi đó, 400 quân liên bang bị bắt, khoảng 150 quân sĩ bị thương vong và chiến hạm USS Westfield tan tành thành mây khói trong trận chiến.
Tâm Anh (theo LV)
http://citinews.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét